Nga-Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận đề xuất của ông Putin đàm phán với Ukraine ở Istanbul. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến việc tổ chức một vòng đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nga.
"Người đứng đầu hai bộ đã trao đổi về các vấn đề xoay quanh sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Vladimir Putin khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 tại Istanbul", thông cáo nêu rõ.
Binh sĩ Ukraine ở tỉnh Sumy, giáp biên giới với Nga, ngày 10/8/2024. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc đến Istanbul tham gia đàm phán Nga – Ukraine. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine dự kiến tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu tiếp tục thúc giục Nga chấp nhận đề xuất ngừng bắn 30 ngày tại Ukraine.
“Tôi có rất nhiều cuộc họp, nhưng tôi đang cân nhắc khả năng bay sang đó. Có thể lắm, nếu tôi tin rằng điều gì đó có thể đạt được. Chúng ta cần phải kết thúc cuộc chiến này”, ông nói.
Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Đừng đánh giá thấp ngày Thứ Năm ở Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đặc phái viên Mỹ tiết lộ ‘tối hậu thư’ của ông Trump với Nga và Ukraine. Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tiết lộ, Tổng thống Donald Trump đã "ra tối hậu thư" với cả Nga và Ukraine về việc tạo bước tiến trong các cuộc đàm phán hòa bình, nếu không Washington sẽ từ bỏ tham gia.
“Tổng thống Mỹ đã đưa ra tối hậu thư cho cả hai bên rằng nếu không tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp và nếu chúng không diễn ra nhanh chóng, Mỹ buộc phải rút lui khỏi cuộc xung đột và bất kể điều đó có nghĩa là gì, chỉ là không còn liên quan”, đặc phái viên Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn được trang tin Breitbart News ghi âm vào ngày 8/5, nhưng tới ngày 12/5 mới công bố.
Ông Zelensky chỉ gặp trực tiếp ông Putin ở Istanbul, từ chối gặp cấp thấp hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ không gặp bất kỳ quan chức nào khác của Nga, ngoại trừ Tổng thống Vladimir Putin ở Istanbul tuần này, cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak phát biểu ngày 13/5, đồng thời giải thích những cuộc trao đổi với các đại diện cấp thấp hơn là vô nghĩa.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Zelensky có sẵn sàng gặp một đại diện khác của Nga nếu Tổng thống Putin không tham dự hay không, cố vấn Mykhailo Podolyak trả lời: "Không, dĩ nhiên là không. Đây không phải là hình thức phù hợp".
Theo ông Podolyak, ngay cả những quan chức cấp cao của Nga như các bộ trưởng cũng không có thẩm quyền đưa ra các quyết định mang tính căn bản để chấm dứt xung đột.
"Điều đó tức là chỉ có ông Putin mới có thể đưa ra quyết định tiếp tục hay kết thúc cuộc xung đột này", cố vấn tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Nga nêu điều kiện đàm phán cứng rắn hơn so với năm 2022. Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ cuộc gặp tại Istanbul năm 2022 và các điều khoản hòa bình của Moscow lần này sẽ phản ánh điều đó, Vladimir Dzhabarov - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) nhận định.
“Tôi nghĩ các điều kiện của chúng tôi có lẽ sẽ cứng rắn hơn thời điểm tháng 3 - 4/2022. Tình hình đã thay đổi mạnh mẽ bởi vì sau đó Nga đã giành thêm được các vùng lãnh thổ mới, hiện trở thành một phần của Liên bang Nga như đã được nêu trong Hiến pháp của chúng tôi. Vì thế, tôi nghĩ sẽ có thêm các điều kiện khác", ông Vladimir Dzhabarov nói với kênh truyền hình Soloviov Live.
Theo thượng nghị sĩ này, các điều khoản của Nga cho hòa bình sẽ bao gồm việc Ukraine rút toàn bộ quân khỏi Donbass và Novorossia, cũng như sự rời đi của tất cả lính đánh thuê khỏi lãnh thổ Ukraine và những cam kết bằng văn bản rằng Ukraine sẽ không tham gia vào các hoạt động của NATO cũng như không cho phép triển khai quân đội NATO trên lãnh thổ của mình. Ngoài ra, theo ông, khả năng thiết lập một vùng đệm an ninh cũng có thể được đưa ra thảo luận.
Các nước Bắc Âu - Baltic ra tuyên bố chung kêu gọi Nga ngừng bắn toàn diện 30 ngày. Ngày 12/5, các nước Bắc Âu - Baltic đã ra tuyên bố chung thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước Bắc Âu - Baltic khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trên con đường hướng tới hòa bình và chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua, đồng thời hoan nghênh những tiến triển mới đây trong các cuộc đàm phán giữa các bên, nhất là việc nối lại đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine.
Các nước Bắc Âu - Baltic cũng kêu gọi Nga nhất trí một kế hoạch ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong vòng 30 ngày, vốn được các lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan, Anh và Ukraine ủng hộ trước đó, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Nga phản ứng trước tối hậu thư đe dọa trừng phạt của EU. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ Nga quyết tâm tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột tại Ukraine nhưng sẽ không chấp nhận bị đối thoại bằng “những ngôn từ mang tính tối hậu thư”.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine, phía Kiev yêu cầu thiết lập lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trước khi bất kỳ cuộc đối thoại nào được tổ chức. Các nước EU cũng ủng hộ yêu cầu này. Berlin thậm chí còn đe dọa sẽ áp thêm trừng phạt lên Moscow nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước ngày 12/5.
Đáp lại lời đe dọa từ phía Đức, ông Peskov nhấn mạnh: "Ngôn ngữ tối hậu thư là điều không thể chấp nhận được đối với Nga". Theo ông: "Không ai có thể đối thoại với Nga theo cách đó". Người phát ngôn Điện Kremlin cũng lưu ý rằng những tối hậu thư tương tự từng được liên minh tự nguyện gồm các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh và Ba Lan đưa ra trong các cuộc họp trước đây tại Kiev.
Lý do Đức ngừng công khai thông tin viện trợ vũ khí cho Ukraine. Người phát ngôn của Chính phủ Đức, Stefan Cornelius cho hay: "Đức sẵn sàng hỗ trợ Ukraine, kể cả về vũ khí... Nhưng chúng tôi sẽ hạn chế thông tin về các loại vũ khí cụ thể. Chúng tôi cũng sẽ không bình luận thêm về bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc cung cấp tên lửa hành trình Taurus".
Theo ông Stefan Cornelius, thông tin chi tiết về vũ khí được chuyển giao sẽ không giúp ích cho chiến lược phòng thủ của Ukraine nếu phía Nga nắm rõ mọi thứ về các loại vũ khí được cung cấp, do đó, quyết định hạn chế thông tin về khối lượng viện trợ quân sự và không đề cập đến các loại vũ khí cụ thể là cần thiết.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Michael Stempfle cho biết: "Liên quan đến Taurus, chúng tôi sẽ không cung cấp thông tin". Ông nhắc lại rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã nhiều lần nói phải có giới hạn trong việc công khai về những vấn đề như vậy, đặc biệt là Taurus, vì lý do an ninh.
Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp