Ngoại trưởng Lavrov lý giải vì sao Nga tin tưởng ông Trump. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Kommersant ngày 14/4. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Washington vì nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Tổng thống Donald Trump và các đời lãnh đạo trước đó của Mỹ.
Khác với Anh và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), “chính quyền của ông Trump cố gắng đi đến tận cùng vấn đề và quan trọng hơn cả là họ hiểu nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột ở Ukraine”. “Ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố rằng “sai lầm nghiêm trọng” dẫn đến các sự kiện hiện nay ở Ukraine là do quyết định của chính quyền Biden khi thúc đẩy việc Ukraine gia nhập NATO”, ông Lavrov nói.
Khi được hỏi Nga có tin tưởng các nhà đàm phán Mỹ hay không, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Moscow sẽ không “gạt bỏ” những tín hiệu tích cực từ ông Trump.
Lính Ukraine trên xe tăng ở tiền tuyến. Ảnh: Quân đội Ukraine
Tình báo Ukraine đánh giá khả năng Nga chiếm Sumy. Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 14/4 cho biết, Nga đã tiến hành cuộc tấn công mới nhằm giành thêm lãnh thổ ở các vùng Sumy và Kharkov của Ukraine, nhưng nước này vẫn chưa thể đạt được bước tiến lớn. Theo ông Budanov, Nga đã tập hợp được hàng chục nghìn binh sỹ ở biên giới song họ vẫn không có đủ nguồn lực để tiến xa.
“Các lực lượng Nga đang ở gần biên giới nhưng họ không đủ quân số để chiếm thành phố Sumy. Tuy vậy họ đang cố gắng đẩy lùi chúng tôi”, ông Budanov nói.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, quân đội Nga tiếp tục các hoạt động tấn công ở phía bắc tỉnh Sumy vào ngày 13/4 nhưng không đạt tiến triển.
Ông Trump lại đổ lỗi cho Tổng thống Zelensky về xung đột với Nga. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống El Salvador tại Phòng Bầu dục ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Ukraine về xung đột với Nga.
“Khi bạn bắt đầu một cuộc chiến, bạn phải biết mình có thể thắng hay không. Bạn sẽ không bắt đầu một cuộc chiến với ai đó mạnh hơn bạn gấp 20 lần và sau đó hy vọng rằng mọi người sẽ viện trợ tên lửa cho bạn”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Nga và người tiền nhiệm Joe Biden là 3 người phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.
Bình luận của ông Trump đưa ra một ngày sau cuộc phỏng vấn của ông Zelensky với CBS News ngày 13/4. Nhà lãnh đạo Ukraine ám chỉ chính quyền ông Trump đang hành động trong “thực tế bị thay đổi” về nguồn gốc xung đột. “Tôi không muốn tham gia vào thực tế đã bị thay đổi mà người ta đang trình bày với tôi. Chúng tôi không phải bên phát động cuộc tấn công. Nga là bên gây chiến và chúng tôi là nạn nhân”, ông Zelensky nói.
Ukraine sẵn sàng chi "khủng" để sở hữu thêm 10 "lá chắn thép" Patriot từ Mỹ. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng chi 15 tỷ USD để mua 10 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho các đô thị đông dân cư, giữa lúc Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CBS News công bố ngày 13/4, ông Zelensky nhấn mạnh: Kiev không chỉ ngồi chờ viện trợ, nước này sẵn sàng chi tiền. Ông Zelensky cho biết ông đã trực tiếp nêu đề xuất trên với Tổng thống Donald Trump, đồng thời trước đó cũng đã trao đổi vấn đề này với chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
“Tôi đã nói rất rõ ràng với Tổng thống Trump về những gì Ukraine có thể làm. Các bạn có hệ thống Patriot, rất nhiều hệ thống như thế và các bạn có năng lực sản xuất. Chỉ cần vài bước là có thể bắt đầu bảo vệ Ukraine. Nếu bước đầu tiên là một hệ thống trị giá 1,5 tỷ USD – chúng tôi sẵn sàng mua”, ông Zelensky cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng Kiev muốn mua 10 hệ thống như vậy.
Binh lính Ukraine than phiền chất lượng vũ khí Đức. Các binh lính Ukraine đã thể hiện sự thất vọng với một số hệ thống vũ khí do Đức cung cấp, làm dấy lên lo ngại về mức độ đáng tin cậy của chúng trên chiến trường.
Mặc dù được đánh giá là một hệ thống xuất sắc nhưng pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 lại bị than phiền là "dễ hỏng hóc về mặt kỹ thuật", ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu lâu dài. Tương tự, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 cũng chỉ được sử dụng trong phạm vi hạn chế, thường là theo kiểu pháo binh ứng biến do khả năng phòng vệ kém. Trong khi đó, Leopard 2A6 hiện đại hơn lại đòi hỏi bảo trì phức tạp, khiến việc sửa chữa nhanh trên tiền tuyến gần như bất khả thi, binh lính Ukraine cho hay. Hệ thống pháo phản lực MARS II chỉ "sử dụng được một phần" do không thể triển khai loại đạn chùm do Mỹ cung cấp trên tiền tuyến.
Dù vậy, không phải tất cả vũ khí từ Đức đều bị đánh giá tiêu cực. Trong số các hệ thống do Đức cung cấp, pháo phòng không tự hành Gepard được đánh giá cao nhất. Binh lính Ukraine gọi đây là vũ khí "được ưa chuộng, hiệu quả và đáng tin cậy nhất" trong kho vũ khí của họ. Hệ thống phòng không IRIS-T được binh lính Ukraine đánh giá cao về hiệu quả chiến đấu. Tuy nhiên, tính ứng dụng của nó bị hạn chế do giá đạn cao và nguồn cung khan hiếm.
Tướng Nga không đánh giá cao phi đội máy bay F-16 của Ukraine. “12 chiếc F-16 được cung cấp cho quân đội Ukraine là không đáng kể khi chúng ta có khoảng 2.000 km tiền tuyến. Chúng chỉ là một giọt nước trong đại dương”, Thiếu tướng Vladimir Popov, vốn là một phi công quân sự nổi tiếng của Nga, tuyên bố. Ông ví số lượng hạn chế máy bay F-16 trên chiến trường như "một miếng bơ nhỏ trên một chiếc bánh lớn".
Theo quan điểm của ông, tiềm năng chiến đấu của những máy bay chiến đấu này là rất nhỏ hoặc "hoàn toàn không đáng chú ý". Thiếu tướng Vladimir Popov khẳng định mối đe dọa thực sự đối với lực lượng vũ trang Nga chỉ nảy sinh nếu có 30 đến 50 chiếc F-16 tập trung ở cùng một khu vực.
"Những chiếc F-16 này liên tục di chuyển. Quân đội Ukraine đang che giấu chúng khỏi các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa của chúng tôi", ông Popov nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng Ukraine đang sử dụng F-16 để phòng không trên các thành phố lớn.
Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp