Diễn biến khó lường về giá dầu thô của Mỹ sau khi giảm sâu

Diễn biến khó lường về giá dầu thô của Mỹ sau khi giảm sâu
9 giờ trướcBài gốc
Máy bơm dầu được nhìn thấy trên một cánh đồng vào ngày 8.4 tại Nolan, Texas. Ảnh: Brandon Bell/Getty Images
Sản lượng dầu giảm
Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ mở ra một kỷ nguyên thống trị năng lượng mới của Mỹ, nhưng căng thẳng thương mại toàn cầu và việc tăng sản lượng của OPEC đang phủ “bóng đen” lên ngành dầu mỏ.
Trên thực tế, tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ hiện đang có nguy cơ dừng lại, hoặc thậm chí đảo ngược.
Theo CNN, do nhu cầu suy yếu và giá cả giảm, sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ giảm vào năm 2026. S&P Global Commodity Insights ngày 12.5 đưa ra dự báo, ước tính rằng sản lượng dầu của Mỹ là 13,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2026, giảm 130.000 thùng so với dự báo năm 2025.
Đây sẽ chỉ là lần thứ hai trong thập kỷ qua, sản lượng dầu của Mỹ giảm. Trước đó, trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới suy yếu và giá dầu đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử.
"Ngành dầu đá phiến của Mỹ khá ảm đạm. Họ đang đóng chặt cửa hầm để chuẩn bị cho một cơn bão", Bob McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group cho biết.
Tuần trước, công ty Diamondback Energy đã thông báo với các cổ đông rằng sản lượng dầu thô của Mỹ có khả năng đã đạt đỉnh và đang bắt đầu giảm.
"Chúng ta đang ở thời điểm then chốt đối khi sản lượng dầu của Mỹ theo giá hàng hóa hiện tại", Travis Stice - Tổng giám đốc điều hành Diamondback Travis Stice cho biết trong một lá thư gửi cổ đông.
Tất nhiên, giá dầu tại các trạm xăng đang được kiểm soát rất tốt. Thực tế, một số nhà phân tích dự báo giá xăng sẽ có xu hướng giảm hơn nữa trong những tháng tới, một kết quả có thể giúp bù đắp cho cú sốc giá tiềm ẩn do chiến tranh thương mại gây ra.
Thuế quan cao ngất ngưởng đã gây ra nỗi lo suy thoái, kéo giá dầu giảm xuống. Dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi mức tăng sản lượng đáng ngạc nhiên từ OPEC và các đồng minh.
Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi OPEC tăng nguồn cung, một phần là để kiềm chế lạm phát. Chiến dịch tranh cử năm 2024 của Tổng thống Trump từng được ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ủng hộ nhiệt tình.
Khoản lợi cho người tiêu dùng
Mặc dù Mỹ là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhưng quốc gia này cũng được cho là "nhạy cảm nhất" với việc giá dầu giảm. Dầu thô của Mỹ đã giảm 20%, khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua là 57,13 đô la/thùng.
Giá dầu thô đã phục hồi trở lại nhưng vẫn ở mức hoặc thấp hơn mức mà nhiều công ty khoan cần để kiếm tiền.
Vào cuối tháng 3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas đã bày tỏ lo ngại về diễn biến căng thẳng thương mại.
Chính sách thuế quan là điều không thể dự đoán trước đối với chúng tôi và không có mục tiêu rõ ràng. Chúng tôi muốn ổn định hơn", đại diện từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas cho biết.
Ông McNally, cựu Cố vấn năng lượng Nhà Trắng của Tổng thống George W. Bush dự báo giá dầu của Mỹ sẽ giảm xuống mức thấp khoảng 40 đô la vào cuối mùa hè và kéo dài đến mùa thu.
Điều đó sẽ tăng trưởng sản lượng bị đình trệ. Nếu giá giảm hơn nữa, sản lượng dầu của Mỹ có thể tiếp tục giảm vào năm 2026.
“Chắc chắn là có thể”, ông McNally nhận định.
Bên cạnh đó, các giám đốc điều hành của S&P cũng cảnh báo “sự bất ổn cực độ về tương lai của thương mại Mỹ” và tình trạng dư cung được cho là sẽ “làm cản trở” sản lượng dầu của Mỹ vào cuối năm nay và năm sau.
Công ty đã cắt giảm mạnh triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2025 từ 1,25 triệu thùng mỗi ngày, xuống còn 750.000 thùng mỗi ngày hiện tại.
“Chính quyền Tổng thống Trump đang tạo ra một môi trường pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dầu khí. Nhưng cuối cùng, mức giá dầu mới là yếu tố lớn nhất thúc đẩy sản lượng của Mỹ tăng hoặc giảm”, Jim Burkhard, phó Chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu dầu thô toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết.
Giá dầu rẻ và sản lượng suy yếu có thể khiến ngành dầu giảm việc làm hoặc thậm chí gây căng thẳng tài chính cho các công ty khoan dầu.
Vào năm 2020, khi giá dầu lao dốc và sản lượng sụt giảm, ngành dầu mỏ đã chứng kiến hàng loạt các công ty phá sản và nhân viên bị sa thải.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ có vẻ phục hồi vào thời điểm hiện tại, trong đó các công ty dầu mỏ lớn thường thâu tóm các công ty nhỏ hơn.
Trong mọi trường hợp, rắc rối trong thế giới dầu mỏ là một khoản lợi nhuận bất ngờ cho nhiều người tiêu dùng.
Theo AAA, giá xăng thông thường trung bình ở Mỹ đã giảm xuống còn 3,15 đô la một gallon vào cuối tuần qua.
Con số này giảm mạnh so với mức 3,64 đô la một gallon vào thời điểm này năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục vào tháng 6.2022 là 5,02 đô la một gallon.
Giá xăng rẻ hơn cũng có thể giúp bù đắp cho mức tăng giá tiềm ẩn do thuế quan tác động, đồng thời giúp hạ thấp tỷ lệ lạm phát ở Mỹ.
Nhà phân tích dầu mỏ kỳ cựu Tom Kloza cũng dự đoán giá xăng sẽ tiếp tục giảm.
"Năm nay sẽ là một mùa hè giá năng lượng rẻ", ông Kloza dự báo.
HỒNG NHUNG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/kinh-te/dien-bien-kho-luong-ve-gia-dau-tho-cua-my-sau-khi-giam-sau-134265.html