Diễn biến mới nhất cuộc chiến xe điện Mỹ - Trung Quốc

Diễn biến mới nhất cuộc chiến xe điện Mỹ - Trung Quốc
3 giờ trướcBài gốc
Đây được xem là động thái mới nhất trong cuộc chiến xe điện giữa hai cường quốc Mỹ- Trung Quốc.
Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ thu thập ý kiến của công chúng trong 30 vòng ngày trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về đề xuất mới này. Hiện nay, gần như tất cả các phương tiện mới trên đường phố Mỹ đều là xe kết nối, với việc trang bị phần cứng cho phép truy cập Internet, chia sẻ dữ liệu với các thiết bị bên trong và bên ngoài xe.
Bộ Thương mại Mỹ đề xuất lệnh cấm phần mềm sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe năm 2027 và lệnh cấm phần cứng sẽ áp dụng với các mẫu xe 2029 hoặc các mẫu xe 2030. Những lệnh cấm này sẽ áp dụng cho các xe có một số tính năng bluetooth, vệ tinh và không dây, cũng như các phương tiện tự động có thể vận hành mà không cần người lái. Lệnh cấm này cũng sẽ được áp dụng cho một số nước khác.
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ vào tháng 11 năm ngoái đã bày tỏ lo ngại về việc các công ty ô tô và công nghệ Trung Quốc đang thu thập và xử lý dữ liệu nhạy cảm trong khi thử nghiệm xe tự động ở Mỹ.
Mẫu xe điện Trung Quốc Polestar 2 bán tại Mỹ.
Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc các công ty Trung Quốc thu thập dữ liệu về tài xế, cơ sở hạ tầng tại Mỹ, cũng như khả năng các phương tiện kết nối với Internet và hệ thống định vị chịu sự thao túng từ nước ngoài. Hồi tháng Hai, Tổng thống Biden đã yêu cầu điều tra về việc liệu nhập khẩu xe từ Trung Quốc có đe dọa đến an ninh quốc gia thông qua công nghệ xe kết nối hay không và liệu có nên cấm phần mềm và phần cứng trong tất cả các phương tiện trên đường phố Mỹ hay không.
Trong khi đó, bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nhận định rằng, rủi ro từ phần mềm và phần cứng Trung Quốc trong các phương tiện kết nối tại Mỹ là rất đáng lo ngại. Theo bà Raimondo, các phương tiện kết nối được lắp đặt hàng nghìn cảm biến, hàng nghìn con chip được điều khiển bằng phần mềm có nguồn gốc từ Trung Quốc, do đó, nguy cơ rò rỉ dữ liệu rất cao.
Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng bộ Thương mại Mỹ.
Mỹ cũng đã quyết định áp mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm mức thuế 100% đối với xe điện và các khoản tăng thuế mới đối với pin xe điện và các khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, Mỹ nhập khẩu rất ít xe điện từ Trung Quốc, do đó động thái của chính phủ nước này được xem như một phần trong kế hoạch tăng thuế quan rộng rãi hơn đối với nhiều danh mục hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu mang tính phòng ngừa và nhằm mục đích giúp ngành công nghiệp xe điện của Mỹ có thời gian bắt kịp Trung Quốc.
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Theo công ty nghiên cứu thị trường MarkLines, xe điện chiếm hơn 10% doanh số bán xe tại Mỹ trong tháng 7/2024, nhưng tại Trung Quốc, tỷ lệ này khoảng 50% - cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu khoảng 20%. Mỹ vẫn đang thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe điện và các mẫu xe trong phân khúc giá đại chúng. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như BYD dựa vào chuỗi cung ứng nội địa rộng lớn, giúp họ cạnh tranh trong một thị trường đông đúc, cung cấp xe điện với mức giá dưới 25.000 USD/chiếc. Tại Mỹ, ngay cả nhà sản xuất hàng đầu Tesla cũng chưa có mẫu xe nào dưới mức 30.000 USD/chiếc. Hiện chưa có mẫu xe điện nào của Mỹ có giá rẻ ngang các xe chạy xăng.
Một mối lo ngại khác của Mỹ là tiến độ chậm chạp trong việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc đối với pin, chiếm 30% chi phí sản xuất xe điện. Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu pin xe điện của Mỹ từ Trung Quốc là 6,2 tỷ USD. Con số này đạt 13 tỷ USD trong cả năm 2023, tăng khoảng 40% so với năm 2022 và tăng gấp sáu lần trong vòng ba năm gần đây.
Nguyễn Việt Dũng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/dien-bien-moi-nhat-cuoc-chien-xe-dien-my-trung-quoc-267380.htm