Hôm nay (7/1), Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tiếp tục ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong hai ngày 8-9/1, ô nhiễm không khí tiếp tục nhưng giảm về mức độ. Trong các ngày từ 10-12/1, miền Bắc có thể có những ngày chất lượng không khí được cải thiện, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, tụ tập ngoài trời.
Lúc 8h sáng nay,, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở ngưỡng 272 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người. Nhiều ngày qua, Hồ Tây (Hà Nội) vẫn là khu vực xếp đầu về ô nhiễm. Điểm Tô Ngọc Vân (Tây Hồ) sáng nay ghi nhận AQI mức 416, Ciputra (Tây Hồ) AQI 408, Quảng Khánh (Tây Hồ) AQI 372, Quảng Bá (Tây Hồ) AQI 320... Đây đều là những chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người.
Hà Nội mù mịt vì ô nhiễm không khí.
Các khu vực khác ghi nhận AQI ở ngưỡng tím như Từ Hoa (Tây Hồ) AQI 256, Lê Duẩn (Hoàn Kiếm) AQI 256, Phố Lò Đúc AQI 270, Trần Hưng Đạo AQI 233...
Hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Đáng lưu ý, mức độ ô nhiễm của Thái Nguyên vượt xa cả Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Cả bốn điểm đo tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đều ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người). Nhiều ngày qua, các thủ phủ công nghiệp của Thái Nguyên thường xuyên ô nhiễm đến ngưỡng tím.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cần có những giải pháp từ dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, quản lý từng nguồn thải. Gần đây đã có những giải pháp như thực hiện vùng phát thải thấp, chuyển đổi xe xăng sang xe điện... Thế nhưng cần kiên quyết hơn, nâng cao ý thức người dân.
Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy: Về tỉ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô: Tùy vào từng điểm, mức độ đóng góp của các nguồn chiếm tỉ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất (từ 58% - 74%), tiếp đến là nguồn công nghiệp (từ 14% - 23%), nguồn nông nghiệp (từ 3,4% - 18,9%), nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.
Theo nhận định trên trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, trong hai ngày 8-9/1, ô nhiễm không khí tiếp tục ở miền Bắc nhưng giảm nhẹ về mức độ. Thời gian này ô nhiễm chủ yếu ở ngưỡng đỏ và cam.
Từ 10-12/1, do ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc, chất lượng không khí được cải thiện ở ngưỡng vàng (ngưỡng trung bình), phù hợp cho các hoạt động, vui chơi, tụ tập ngoài trời. Tuy nhiên, khoảng đầu tuần tới, ô nhiễm không khí có thể quay lại miền Bắc.
Ô nhiễm không khí những ngày qua ở miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 – loại bụi được coi là "tử thần" trong không khí khi gây ra và làm trầm trọng thêm hàng loạt các căn bệnh về hô hấp và tim mạch. Số liệu của WHO cho thấy, cứ trung bình 7,5 phút lại có một người Việt chết vì căn bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Các chất gây ô nhiễm khác như O3, SO2 vẫn trong ngưỡng an toàn.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thường tập trung vào mùa đông khi điều kiện thời tiết ít mưa, lặng gió khiến các chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở tầng sát mặt đất.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí. Khi ô nhiễm lên ngưỡng cam (chất lượng không khí kém), người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên hạn chế các hoạt động vận động ngoài trời.
Tô Hội