Một góc bản Cha Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng - nơi có nhiều hộ nghèo được hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt.
Số hộ được cấp gạo cứu đói giáp hạt năm 2025 đợt này có hộ khẩu tại 9 huyện, thị xã (riêng thành phố Điện Biên Phủ không có người phải cứu đói). Huyện Điện Biên Đông là địa bàn có nhiều hộ phải cứu đói giáp hạt nhất trong tỉnh, với tổng số 2.091 hộ (10.265 nhân khẩu); tiếp đến là huyện Mường Chà có 1.454 hộ (6.664 nhân khẩu); huyện Tủa Chùa có 1.196 hộ (5.746 nhân khẩu); thị xã Mường Lay có 1.162 hộ (4.353 nhân khẩu)… Huyện Nậm Pồ có ít số hộ cần trợ cấp gạo cứu đói giáp hạt nhất trong số 9 huyện, thị xã (toàn huyện có 416 hộ, 1.084 nhân khẩu).
Để việc cấp gạo cứu đói giáp hạt được kịp thời, thuận lợi với người nhận, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên giao trách nhiệm và ấn định thời gian thực hiện cụ thể cho Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.
Theo đó, với Sở Y tế Điện Biên phải chủ trì, phối hợp Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực V vận chuyển, nhận, giao gạo cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã để hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân; thời gian hoàn thành trước ngày 20/5/2025.
Trong suốt quá trình cấp gạo đến nhân dân, Sở Y tế phải hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận, cấp phát gạo bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phải bố trí kinh phí bốc dỡ, bảo quản và cước vận chuyển để tiếp nhận gạo, giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã cấp đến nhân dân; chỉ đạo việc hạch toán số gạo được phân bổ theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 51/2020/TT-BTC ngày 2/6/2020 của Bộ Tài chính; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) trước ngày 25/5/2026
LÊ LAN