Điện Biên Phủ trong kí ức của người lính năm xưa

Điện Biên Phủ trong kí ức của người lính năm xưa
17 giờ trướcBài gốc
Hào khí năm xưa
Trong những ngày tháng năm lịch sử, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Quân, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn, người đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Bên ấm trà thơm, trong bộ quân phục chỉnh tề với những huy chương lấp lánh, ông Nguyễn Quân chậm rãi hồi tưởng về những năm tháng tuổi trẻ cách đây hơn 75 năm.
Ông Nguyễn Quân cùng với những Huân, Huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng.
Ông Quân kể: Ngày tôi đi bộ đội còn chưa đầy 18 tuổi, thuộc Trung đoàn 72 Bắc Kạn có nhiệm vụ giải phóng Bắc Kạn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông đi học tại Trường Quân chính Liên khu 1 và được điều động tăng cường cán bộ cho Điện Biên cuối năm 1952. Đi bộ ròng rã 20 ngày đêm, ăn Tết Nguyên đán dọc đường đi qua Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Đến nơi, ông nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Mặt trận Điện Biên Phủ và được phân công nắm tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, giải thích chiến lược “đánh chắc, tiến chắc”.
Ông Quân nhớ lại ngày ấy, quân ta đã sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, nhưng sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển hướng “đánh chắc, tiến chắc”. Với địa hình hiểm trở, việc kéo pháo vào tập trung tại trận địa đã vô cùng khó khăn, nay lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới gian nan gấp bội.
Sau khi quân ta thay đổi cách đánh, việc đầu tiên được thực hiện đó là đào giao thông hào, bám sát và đánh từng cứ điểm. Ông Quân nhớ khi ấy, chiến trường Điện Biên Phủ vào mùa mưa, rét nên việc đào hào rất vất vả nhưng tinh thần của quân ta hăng hái, dũng cảm với nhiều cách làm sáng tạo. Anh em lấy cỏ búi thành hình bao cát hoặc cắt lấy ống quần đổ đất vào đặt trước mặt, rồi đào lấn dần để tránh đạn của địch bắn ra. Chỉ hơn 1 tháng mà hoàn thành hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông hào.
Nhờ có hệ thống giao thông hào tiếp cận trận địa nên hỏa lực của ta khiến máy bay của Pháp không thể hạ cánh xuống sân bay mà phải bay lòng vòng để thả dù, tạo thuận lợi cho quân ta đánh từng cứ điểm mà hạn chế được thương vong. Nhấp chén nước chè, ông Quân bồi hồi đọc lại những vần thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện những gian khổ, hy sinh của người lính Điện Biên: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn".
Hòa bình rồi, nói câu chuyện “xưa” chúng tôi vẫn nói với nhau rằng quân ta chui lên từ lòng đất, từ các phía đồng loạt tấn công các cứ điểm quan trọng của địch khiến chúng không kịp trở tay. Hạnh phúc, mừng rơi nước mắt khi địch lần lượt ra đầu hàng. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Người lính pháo cao xạ và ký ức không quên
Ông Mai Tư, 93 tuổi ở tổ 13, phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) vẫn nhớ ngày tháng ông đi bộ đội cách đây 73 năm. Ông kể: Năm 1952, ông đi bộ đội thuộc Tỉnh đội Bắc Kạn, sau đó chuyển đơn vị xuống Thái Nguyên, được cử đi Trung Quốc học cao xạ pháo từ tháng 8 đến tháng 11/1952 rồi hành quân lên Điện Biên Phủ thuộc Đại đội 34, Trung đoàn 240, Sư đoàn 367.
Ông Mai Tư là một trong những chiến sĩ pháo cao xạ - Pháo thủ số 1.
Mỗi khẩu pháo nặng khoảng 3 tấn, để kéo pháo lên đồi vừa dùng tời gỗ để kéo, bên dưới bộ đội dùng sức đẩy, đi một đoạn ngắn lại dùng cây để chèn. Gian nan lắm. Nhưng ngày ấy, pháo được ngụy trang, bí mật lắm. Đi đến đâu lại quét dọn sạch sẽ dấu vết. Ý chí của bộ đội ta rất cao, chúng ta thành công đưa những khẩu pháo cao xạ 37mm băng qua hàng trăm ki-lô-mét đến chiến trường.
Giở những trang giấy đã ngả màu vàng úa, nét bút đã nhiều chỗ phai màu ghi đầy đủ cách sử dụng pháo cao xạ 37mm. Ông Mai Tư bồi hồi cho biết: Lúc đó ông đứng ở vị trí pháo thủ số 1. Muốn pháo bắn trúng thì sẽ có chiến sĩ làm nhiệm vụ trinh sát, thông báo tọa độ, hướng nào. Một Tiểu đội 12 người phụ trách 01 khẩu pháo. Một đại đội có 6 khẩu. Vì vậy, khi phát hiện mục tiêu phù hợp với khoảng cách toàn đội lập tức hợp lực khai hỏa. Chúng ta có cao xạ pháo khiến cho địch bất ngờ và lúng túng.
Những trang giấy được ông Mai Tư ghi lại cách sử dụng pháo đã úa vàng cùng thời gian.
Mấy chục năm đã trôi qua nhưng những ký ức tháng ngày chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không thể nào quên với các cựu chiến binh. Cả một tháng không được tắm, quần áo bị ướt mồ hôi rồi tự khô. Ăn suốt cơm nếp và thịt trâu trắng. Ở trên đồi phải tiết kiệm nước. Pháo bắn liên tục bị nóng chỉ còn cách nhúng quần áo xuống nước rồi đắp lên để giảm nhiệt mới tiếp tục bắn được. Dù khó khăn, gian khổ nhưng khi nghe được thông tin Trung đoàn đã bắn hạ được bao nhiêu máy bay của địch thì ai nấy đều phấn khởi.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Mai Tư cùng đồng đội nhận nhiệm vụ kéo pháo về Phú Thọ, sau đó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội. Đến tháng 4/1960, ông chuyển về công tác tại Ty Thương nghiệp Bắc Kạn. Về hưu, ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.
Đó chỉ là hai câu chuyện của những người con quê hương Bắc Kạn, hiện thân của thế hệ “gan không núng, chí không mòn”, của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã góp phần làm nên chiến công lừng lẫy khắp năm châu. Dù năm tháng đã nhuộm bạc mái đầu, bước chân không còn vững, nhưng ở họ vẫn ánh lên sự kiêu hãnh của người lính Điện Biên – những người đã sống và chiến đấu bằng tất cả niềm tin và tình yêu Tổ quốc. Họ mãi là tấm gương sáng, là bài học sống động để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo trên con đường dựng xây và bảo vệ Tổ quốc./.
Hà Nhung
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/dien-bien-phu-trong-ki-uc-cua-nguoi-linh-nam-xua-post70608.html