Những đảm bảo an ninh mà Ukraine yêu cầu
Ukraine vẫn kiên định với yêu cầu rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào là sự bảo đảm an ninh vững chắc từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ. Nhưng đây cũng chính là điểm nghẽn then chốt.
Giới chuyên gia nhận định, bất kỳ cơ chế bảo đảm an ninh nào đủ sức răn đe cũng sẽ có nguy cơ đẩy phương Tây vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga trong tương lai. Ngược lại, nếu những cam kết an ninh chỉ mang tính hình thức hoặc không ràng buộc, hòa bình ở Ukraine có thể sẽ không bền vững như mong đợi.
Các đề xuất hòa bình được tiết lộ trong bản dự thảo mà Reuters tiếp cận cho thấy các nhà ngoại giao đang cân nhắc về “những bảo đảm an ninh mạnh mẽ", bao gồm cả khả năng thiết lập một cơ chế tương tự Điều 5 trong Hiệp ước NATO – nguyên tắc phòng thủ tập thể vốn chỉ áp dụng cho các thành viên liên minh. Ukraine, dù không phải là thành viên, vẫn mong muốn một hình thức bảo hộ tương đương, đặc biệt trong bối cảnh cấu trúc an ninh châu Âu đang tái định hình từng ngày.
Ông Zelensky (trái) và ông Trump (phải). Ảnh: Reuters
Một trong những nỗ lực đáng chú ý nhất trước đó là bản dự thảo năm 2022. Dự thảo này đề xuất Ukraine chấp nhận vị thế trung lập vĩnh viễn để đổi lấy cam kết an ninh từ 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, cùng với một số quốc gia khác như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Israel.
Yêu cầu về trung lập tiếp tục là vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán gần đây tại Istanbul, nơi phái đoàn Nga một lần nữa nhắc lại lập trường cứng rắn của nước này, theo nguồn tin từ phía Ukraine. Điện Kremlin khẳng định rằng nội dung chi tiết của cuộc đàm phán cần được giữ kín, trong khi Kiev tỏ rõ rằng bất kỳ ý tưởng nào buộc Ukraine từ bỏ quyền lựa chọn liên minh, đặc biệt là với NATO, là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.
NATO và vị thế trung lập của Ukraine
Moscow nhiều lần khẳng định rằng triển vọng Ukraine gia nhập NATO là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến xung đột. Về phần mình, Tổng thống Zelensky tuyên bố Nga không có quyền can thiệp vào các lựa chọn liên minh của Kiev.
Từ năm 2008, tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest, các lãnh đạo NATO đã cam kết rằng sẽ đến một thời điểm nào đó, yêu cầu gia nhập của Ukraine và Gruzia sẽ được chấp thuận. Đến năm 2019, Ukraine sửa đổi Hiến pháp, chính thức xác lập mục tiêu trở thành thành viên chính thức của NATO và Liên minh châu Âu.
Trong khi Đặc phái viên Mỹ, Tướng Keith Kellogg, khẳng định rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là “không thể thương lượng”, ông Trump lại cho rằng chính cam kết ấy từ phía Washington có thể là chất xúc tác gây ra xung đột.
Vào năm 2022, hai bên từng thảo luận khả năng Ukraine tuyên bố trung lập vĩnh viễn. Theo một bản dự thảo mà Reuters tiếp cận, Nga đề xuất giới hạn năng lực quân sự của Kiev. Tuy nhiên, Ukraine cương quyết bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào làm suy giảm quy mô và hiệu quả chiến đấu của lực lượng vũ trang nước này.
Dù không phản đối Ukraine gia nhập EU, Moscow tin rằng một số thành viên trong khối có thể không mấy hào hứng với viễn cảnh đó.
Vấn đề chủ quyền lãnh thổ
Hiện tại, Nga kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và tuyên bố rằng những khu vực này, bao gồm cả Crimea đã được sáp nhập hợp pháp vào nước này thông qua các cuộc trưng cầu dân ý. Kể từ năm 2014, Crimea đã nằm dưới quyền kiểm soát của Moscow. Tính đến nay, Nga đang kiểm soát phần lớn tỉnh Luhansk, hơn 70% Donetsk, Zaporizhzhia, Kherson và một phần nhỏ của Kharkov.
Trong đề xuất hòa bình được Điện Kremlin đưa ra vào tháng 6/2024, Tổng thống Nga yêu cầu Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi các khu vực trên – bao gồm cả những vùng hiện chưa thuộc quyền kiểm soát của Nga. Tại vòng đàm phán Istanbul ngày 16/5 vừa qua, các đại diện Nga đã nhắc lại yêu cầu này, theo nguồn tin từ phía Ukraine.
Phóng viên chiến trường Alexander Kots của báo Komsomolskaya Pravda cho biết các nhà đàm phán Nga cũng yêu cầu Kiev chính thức từ bỏ mọi tuyên bố chủ quyền đối với bốn tỉnh bị chiếm đóng và bán đảo Crimea.
Theo bản dự thảo kế hoạch hòa bình do phía Trump soạn thảo, Mỹ sẽ công nhận chủ quyền pháp lý của Nga đối với Crimea và trên thực tế thừa nhận quyền kiểm soát của Moscow tại Luhansk và một số khu vực ở Zaporizhzhia, Donetsk và Kherson. Ukraine sẽ giữ lại quyền kiểm soát tỉnh Kharkov, trong khi Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát và điều hành Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, hiện do Nga kiểm soát.
Kiev cho biết bất kỳ sự công nhận nào đối với quyền kiểm soát của Nga ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ vi phạm hiến pháp Ukraine, song chính quyền sẵn sàng bàn thảo các vấn đề lãnh thổ trong khuôn khổ đàm phán hậu ngừng bắn.
“Những chủ đề cốt lõi xoay quanh lãnh thổ, nhà máy điện hạt nhân, quyền tiếp cận sông Dnieper và lối ra biển là điều không thể tránh khỏi”, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Breitbart News ngày 12/5.
Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây
Moscow muốn các lệnh trừng phạt từ phương Tây được dỡ bỏ như một phần trong bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng chính phủ Nga vẫn nghi ngờ điều đó có thể xảy ra sớm. Ngay cả khi Washington nới lỏng trừng phạt, các biện pháp từ EU, Anh, Canada, Australia và Nhật Bản nhiều khả năng vẫn được duy trì trong nhiều năm tới.
Về phần mình, Ukraine yêu cầu các lệnh trừng phạt cần tiếp tục được duy trì để duy trì áp lực với Moscow.
Theo Reuters, chính quyền Mỹ đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, như một phần của thỏa thuận rộng hơn nếu Điện Kremlin đồng ý chấm dứt chiến sự.
Tranh cãi xung quanh vấn đề dầu khí
Ông Trump tin rằng việc giá dầu sụt giảm gần đây có thể khiến nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực khai thác dầu khí như Nga dễ chấp nhận thỏa hiệp hơn. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phản bác lại nhận định này, khẳng định lợi ích quốc gia của Nga vượt trên biến động giá dầu.
Một số nhà ngoại giao nhận định rằng có khả năng Mỹ, Nga và Saudi Arabia đang đàm phán để hạ giá dầu như một phần trong thỏa thuận lớn hơn liên quan đến tương lai của cả Trung Đông lẫn Ukraine.
Đầu tháng này, Reuters đưa tin các quan chức từ Washington và Moscow đã bàn về khả năng nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu.
Đề xuất ngừng bắn vô điều kiện
Kiev và các đồng minh châu Âu yêu cầu Nga tuyên bố ngừng bắn như điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Moscow lập luận rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng cần được gắn với cơ chế giám sát hiệu quả, trong khi Ukraine cáo buộc Nga đang cố tình trì hoãn.
Kế hoạch tái thiết Ukraine thời hậu chiến
Việc tái thiết Ukraine hậu chiến dự kiến tiêu tốn hàng trăm tỷ USD. Nhiều quốc gia châu Âu đề xuất sử dụng tài sản nhà nước Nga bị đóng băng để hỗ trợ Kiev. Tuy nhiên, Moscow cực lực phản đối.
Theo phóng viên Alexander Kots, các nhà đàm phán Nga tại Istanbul đã yêu cầu hai bên đồng thuận rằng sẽ không có bất kỳ yêu sách nào liên quan đến bồi thường chiến phí hoặc bù đắp các thiệt hại do xung đột gây ra.
Quyền lợi của người nói tiếng Nga ở Ukraine
Phía Nga khẳng định rằng bảo vệ người nói tiếng Nga tại Ukraine là một phần không thể thiếu trong các yêu cầu đàm phán. Tại Istanbul, các nhà đàm phán Nga yêu cầu Ukraine cam kết tuân thủ tiêu chuẩn châu Âu về quyền lợi của các nhóm thiểu số, đặc biệt là người nói tiếng Nga và cộng đồng gốc Nga. Ngoài ra, Moscow còn yêu cầu Kiev dỡ bỏ những gì mà nước này gọi là “tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa”.
Hiện nay, trên bàn đàm phán, hòa bình vẫn là mục tiêu chung nhưng định nghĩa về hòa bình của mỗi bên đang ngày càng bỏ xa nhau. Với Ukraine, hòa bình phải đi kèm với toàn vẹn lãnh thổ và sự đảm bảo an ninh vững chắc từ Mỹ cũng như các nước phương Tây. Với Nga, hòa bình có vẻ chỉ khả thi khi Ukraine chấp nhận từ bỏ tham vọng gia nhập NATO – điều mà Moscow từ lâu đã coi là mối đe dọa sống còn.
Và với Tổng thống Trump trong vai trò trung gian hòa giải, vấn đề an ninh và vị thế trung lập của Ukraine là những câu hỏi lớn nhất mà ông buộc phải đi tìm đáp án nếu muốn mở ra cánh cửa hòa bình thực sự cho hai bên tham chiến. Tuy nhiên, những câu hỏi đó khó có thể được giải đáp chỉ thông qua một cuộc điện đàm.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters, CNN