Mỹ cứng rắn với châu Âu
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã nhắc đến những yêu cầu tài chính mới đối với các đồng minh phương Tây, buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải đứng trước hai lựa chọn: đầu tư cho an sinh xã hội hay tăng chi tiêu quốc phòng. phát biểu trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels ngày 12/2, Tổng thư ký NATO Mark Rutte một lần nữa kêu gọi các quốc gia thành viên tập trung nhiều hơn vào lựa chọn thứ hai và đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng "trước mùa hè" năm nay.
Những động thái trên của châu Âu dường như vẫn là chưa đủ đối với Mỹ. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã chính thức hóa yêu cầu của ông Trump về việc các thành viên liên minh phải đạt mức chi 5% GDP cho quốc phòng. Ông Hegseth cũng cho biết Mỹ sẽ ưu tiên giải quyết cuộc xung đột ở Trung Quốc và tình hình an ninh biên giới của nước này, thay vì các vấn đề của châu Âu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: People
"Mỹ sẽ không chấp nhận một mối quan hệ mất cân bằng mà đối phương là bên phụ thuộc vào chúng tôi", người đứng đầu Lầu Năm Góc mới nói.
Xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên "The Megyn Kelly Show" trên Sirius XM, Ngoại trưởng Marco Rubio đã chỉ ra rằng Mỹ không nên là "mặt trận" của an ninh châu Âu mà là "điểm dừng chân".
Ông Rubio nói: “Khi bạn hỏi những người đó, tại sao các bạn không thể chi nhiều hơn cho an ninh quốc gia, thì lập luận của họ là vì điều đó sẽ yêu cầu phải cắt giảm các chương trình phúc lợi, trợ cấp thất nghiệp, khả năng nghỉ hưu ở tuổi 59 và tất cả những thứ khác’.
"Đó là một lựa chọn mà họ đã đưa ra. Nhưng chúng ta đang trợ cấp cho điều đó sao?", ông Rubio nhấn mạnh.
Theo ông Nicholas Dungan, người sáng lập và giám đốc điều hành của CogitoPraxis, một công ty tư vấn chiến lược tại The Hague, chương trình nghị sự của Tổng thống Trump không phải là về an ninh châu Âu.
“Đây không phải là kỷ nguyên mới của quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mà là kỷ nguyên mới của quan hệ giữa các cường quốc toàn cầu thay thế các cấu trúc thể chế có chủ đích của trật tự quốc tế tự do”, ông Dungan nói.
Châu Âu đang lo sợ
Ông Trump cho biết tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine sẽ bắt đầu “ngay lập tức” sau cuộc gọi giữa hai nguyên thủ quốc gia Mỹ-Nga.
Giới quan sát đang lo ngại về vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán với Nga, đăc biệt khi nước này dường như đang ở thế yếu trước Nga trên chiến trường. Tổng thống Trump đã gọi điện cho người đồng cấp Ukraine Zelensky vào ngày 12/2 nhưng cuộc điện đàm này một lần nữa lại củng cố mối lo ngại kể trên. Khi được một phóng viên hỏi liệu Ukraine có phải là đối tác bình đẳng trong các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Donald Trump chỉ trả lời rằng: “Đó là một câu hỏi thú vị”.
Về phần mình, ông Hegseth cũng không vòng vo. Người đứng đầu Lầu Năm góc nêu ra những luận điểm cứng rắn của Mỹ cho cuộc đàm phán: Ukraine không thể quay trở lại biên giới trước năm 2014, Kiev không thể gia nhập NATO và Mỹ sẽ không không trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc xung đột này. Bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào cũng sẽ phải bao gồm quân đội châu Âu, nghĩa là Mỹ sẽ không hỗ trợ lực lượng này trong trường hợp xảy ra đụng độ với Moscow.
Cựu Tổng thống Joe Biden cũng đã từng tỏ ra thận trọng về việc Ukraine có được con đường gia nhập NATO, vì lo ngại đụng độ với Nga. Việc ông Trump kiên định với tuyên bố rằng lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu sẽ không mặc đồng phục NATO đã được nhiều nhà quan sát coi là một động thái thận trọng nhằm tránh kéo Mỹ vào cuộc chiến hiện tồn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lập luận rằng ông chỉ đơn giản là đang truyền bá chủ nghĩa hiện thực. Và ông có lý. Không ai ở Mỹ hay Châu Âu nghĩ rằng đồng hồ có thể quay ngược lại năm 2014. Và Ukraine cũng thừa nhận rằng nước này chỉ có thể giành lại những vùng lãnh thổ mà Nga hiện đang kiểm soát bằng con đường ngoại giao.
Mối nguy của Ukraine
Cuộc điện đàm Mỹ-Nga và hội nghị thượng đỉnh trong tương lai giữa các nhà lãnh đạo hai nước tại Saudi Arabia khiến giới quan sát lo ngại rằng ông Trump có thể loại Ukraine và thậm chí là châu Âu ra khỏi tiến trình hòa bình. Tại cuộc họp báo chiều 12/2, khi được hỏi liệu có quốc gia châu Âu nào tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình hay không, phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt đã trả lời rằng: "Tôi hiện không thể trả lời các bạn".
Chuyên gia Andrew Novo từ chương trình Quốc phòng và An ninh xuyên Đại Tây Dương của CEPA lập luận rằng xét về mặt đàm phán, thiếu sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ khiến vị thế của Ukraine bị đe dọa bàn đàm phán.
"Nếu Ukraine không có sự hậu thuẫn của Mỹ, vị thế trên bàn đàm phán sẽ thấp hơn. Nếu có thêm Mỹ thì Ukraine có thể đạt được một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán", ông Novo nói, không loại trừ vai trò hậu thuẫn của châu Âu đối với Ukraine.
Pháp, Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu, cùng với Anh và Ukraine mới đây cũng tuyên bố rằng “Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào”. Các nước này cũng nhắc nhở ông Trump rằng “một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện cần thiết cho một nền an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh”.
Tổng thống Zelensky. Ảnh: Reuters
Tổng thống Zelensky vẫn kiên định với lập trường rằng một nền hòa bình như vậy cần có sự đảm bảo an ninh vững chắc từ châu Âu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tư cách thành viên NATO dành cho Kiev. Nhà lãnh đạo Ukraine thậm chí để ngỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy một vị trí chính thức trong liên minh quân sự này.
Tuy nhiên, điều này dường như vẫn không thay đổi lập trường của phương Tây. Ông Nicholas Dungan, người sáng lập và giám đốc điều hành của CogitoPraxis cho biết: “Lập trường của Mỹ về Ukraine không làm ai ở châu Âu ngạc nhiên. Đó chỉ là những gì những người trong cuộc ở châu Âu đã nói với tôi rằng: EU có thể kết nạp Ukraine nhưng NATO thì không”.
Tới nay, những nhận định của giới quan sát mới dừng lại ở mức độ dự báo do kế hoạch hòa bình của ông Trump vẫn nhiều điểm mơ hồ. Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng có thể làm rõ hơn kế hoạch này thông qua các cuộc thảo luận với Phó tổng thống Mỹ JD Vance và đặc phái viên về vấn đề Ukraine Keith Kellogg, tại Hội nghị An ninh Munich, trong tuần này.
Trong bối cảnh tiến trình hòa bình vẫn còn nhiều điểm nghẽn, một câu hỏi khác mà Ukraine phải đối mặt là nước này có thể tiếp tục giao tranh với Nga trong bao lâu nếu thiếu viện trợ từ Mỹ. Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng tài chính Ukraine Sergii Marchenko cho rằng lực lượng Kiev có thể tiếp tục chiến đấu ít nhất đến nửa đầu năm 2025 và có thể xa hơn nữa nếu kịch bản này xảy ra.
Tuy nhiên, trước tình hình Nga tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng và liên tiếp giành được nhiều thành quả trên chiến trường, câu trả lời này đang trở nên không chắc chắn.
Diệp Thảo/VOV.VN Theo CNN, The Independent