Diễn đàn Triển vọng khu vực 2025: Tín hiệu tích cực trước 'biến số' khó lường trên thế giới

Diễn đàn Triển vọng khu vực 2025: Tín hiệu tích cực trước 'biến số' khó lường trên thế giới
10 giờ trướcBài gốc
Ngoại trưởng Philippines Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo là diễn giả chính tại Diễn đàn Triển vọng khu vực.
ROF 2025 có diễn giả chính là Ngoại trưởng Philippines Enrique A. Manalo và phiên thảo luận chuyên đề. Diễn đàn thu hút khoảng 300 chính trị gia, chuyên gia, học giả cùng giới doanh nghiệp, truyền thông tham dự.
Phát biểu tại ROF 2025 với chủ đề “Liệu tinh thần hợp tác có thể tiếp tục tỏa sáng trong thế giới hỗn loạn hay không?”, Ngoại trưởng Philippines Manalo nhấn mạnh: "Chúng ta đang phải đối mặt với bối cảnh toàn cầu hoàn toàn khác trong thế kỷ XXI… Tuy nhiên, hợp tác vẫn là chủ đề chính của trật tự khu vực và toàn cầu”.
Ông Manalo nói thêm rằng: “Để phát triển hơn nữa, hợp tác toàn cầu nên được hỗ trợ bởi 3 điểm. Thứ nhất là những thách thức mới đặt ra những bất ổn chưa từng có, do đó cần phải cởi mở với những phương thức làm việc sáng tạo cùng nhau để tìm kiếm những giải pháp mới cho những vấn đề mới trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thứ hai, động lực của hành động toàn cầu không còn chỉ là các “nước lớn” mà còn có những nhân tố mới đang tham gia. Thứ ba, thói quen hợp tác giữa các quốc gia trong nhiều thập kỷ là tài sản trong thời kỳ biến động, có vai trò quản lý các giá trị chung...”.
ROF 2025 cũng tập trung thảo luận sâu vào nhu cầu cấp thiết về khả năng phục hồi trong bối cảnh gián đoạn và bất ổn do các biến động chính trị, địa chính trị, công nghệ và kinh tế ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (ISEAS) trả lời phỏng vấn TTXVN bên lề Diễn đàn.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Yusof Ishak (ISEAS), cho rằng ROF 2025 đã chỉ ra ba rủi ro lớn đối với khu vực: Việc ông Trump chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai đã gây ra một số lo ngại. Cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của ông Trump là mang tính chất cùng có lợi.
Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, về kinh tế, ông Trump đã tuyên bố về thuế quan liên quan đến Trung Quốc cũng như gây áp lực lên các nước có thặng dư thương mại đối với Mỹ. Áp lực tăng thuế của ông Trump sẽ tác động tới dòng chảy thương mại quốc tế, không chỉ giữa Mỹ với đối tác mà còn giữa các nước trên thế giới. Điều này dẫn tới các gián đoạn, rối loạn về đầu tư, thương mại, chuỗi cung ứng cùng với các rủi ro về chiến tranh, dịch bệnh… làm xáo trộn nền kinh tế trong thời gian tới. Về quan ngại thứ ba, thách thức đối với các cơ chế đa phương như LHQ, WTO thì cách tiếp cận của ông Trump thiên về đơn phương, song phương gây ra rủi ro cho cơ chế đa phương.
Tại các phiên thảo luận thứ nhất về địa chính trị và phiên thảo luận thứ hai về đảm bảo động lực tăng trưởng trong bối cảnh phân mảnh toàn cầu, các chuyên gia cho rằng quỹ đạo của các diễn biến toàn cầu có thể có những bước ngoặt lớn, với lo ngại nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0 sẽ làm gia tăng sự trỗi dậy của chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, có khả năng thúc đẩy sự tái sắp xếp và phân mảnh hơn nữa trong nền chính trị và kinh tế toàn cầu.
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam trả lời phỏng vấn TTXVN bên lề Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Nội dung chính của Diễn đàn dự báo về tình hình khu vực và cách ứng phó để bảo đảm sự tự cường trong thế giới có nhiều biến động. Trong các phiên thảo luận diễn ra trong ngày hôm nay, các nước cố gắng dự báo biến động trong môi trường chính trị, kinh tế thế giới. Đặc biệt là sự chuyển giao chính quyền ở Mỹ với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tác động tới khu vực, thế giới… từ đó hợp tác, ứng phó nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, sự tự cường”.
Bên cạnh thảo luận về các nguy cơ, rủi ro toàn cầu, ROF 2025 cũng thảo luận chuyên sâu vào các con đường để duy trì khả năng phục hồi và thích ứng. Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cấp thiết phải tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, bảo đảm quyền tiếp cận thị trường và công nghệ, đẩy nhanh chuyển đổi xanh và số để tiếp tục tăng trưởng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, có sự thống nhất rất cao rằng ông Trump trong nhiệm kỳ hai sẽ tác động lớn, căn bản tới cục diện, chiều hướng hợp tác giữa Mỹ và các nước đồng minh, đối tác. Với tác động tiềm tàng như vậy, các nước ASEAN cần hợp tác gắn kết khu vực để tăng cường khả năng chống chịu.
Ông Sơn nói thêm rằng các nước ASEAN nhìn nhận trong bối cảnh thế giới biến động mạnh nhưng ASEAN tăng trưởng tương đối khả quan, nội lực của Khối ngày càng lớn và có nhiều cơ hội để phát triển. ASEAN có nhiều sức mạnh, cần tự tin về khả năng tự cường trước tác động từ nước lớn và sẽ cần phải tranh thủ phát huy các thế mạnh để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.
Một số ý kiến tại diễn đàn kêu gọi giải pháp tăng cường liên kết ở cấp độ khu vực, toàn cầu để ứng phó với những vấn đề mà ông Trump có thể bỏ ngỏ như biến đổi khí hậu, thương mại… Vai trò của các quốc gia khác như trong ASEAN, các nước đang phát triển, các cường quốc tầm trung sẽ có tiếng nói ngày càng lớn.
Các phiên thảo luận của ROF 2025 cũng hướng tới đánh giá tình hình chính trị trong nước ở các nước Đông Nam Á và những tác động đối với nền kinh tế và chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Tin, ảnh: Tất Đạt (PV TTXVN tại Singapore)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/dien-dan-trien-vong-khu-vuc-2025-tin-hieu-tich-cuc-truoc-bien-so-kho-luong-tren-the-gioi-20250109224015749.htm