Theo đó doanh thu thuần trong quý 3/2024 giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 543 tỷ đồng, chủ yếu là do doanh thu bán điện sụt giảm. Ngược chiều, giá vốn hàng bán tăng 12%, lên 306 tỷ đồng. Kết quả, lãi gộp của Điện Gia Lai giảm 19% so với cùng kỳ, đạt 237 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt vỏn vẹn 10 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lên tới 231 tỷ đồng, giảm 8% so cùng kỳ, tuy vậy đây là phần chi phí nặng gánh nhất của Điện Gia Lai.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chịu thêm gần 5 tỷ đồng lỗ từ công ty liên kết. Chưa kể, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 17%, lên mức 33 tỷ đồng.
Sau cùng, Điện Gia Lai lỗ sau thuế gần 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 315 triệu đồng, đây cũng là lần đầu tiên “ông trùm” năng lượng tái tạo báo lỗ kể từ khi niêm yết trên HoSE vào năm 2019.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Điện Gia Lai đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Do khoản lỗ trong quý 3, lợi nhuận sau thuế đạt chưa đầy 80 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Vì khoản nợ vay tài chính khiến GEG lỗ lần đầu trong lịch sử.
Gánh nặng nợ vay từ 4 dự án điện gió bị điều tra
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ phải trả của GEG đạt 10.203 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ vay chiếm 97% với 9.886 tỷ đồng. So với vốn chủ sở hữu hiện ở mức 5.822 tỷ đồng, nợ vay của Điện Gia Lai cao gấp khoảng 1,7 lần vốn chủ.
Trong đó, nợ vay dài hạn tăng 3% so với đầu năm, ghi nhận ở mức 8.913 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này tập trung tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), được phân bổ 6 dự bao gồm: dự án điện mặt trời Krong Pa (475 tỷ đồng), dự án điện mặt trời Hàm Phú 2 (385 tỷ đồng), dự án nhà máy điện gió la-Bang (1.078 tỷ đồng), dự án nhà máy điện gió VPL (hơn 1.000 tỷ đồng) và 2 dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1&2 (tổng cộng 4.416 tỷ đồng).
Đáng nói, cả 4 dự án điện gió trong danh sách nói trên nói trên đều nằm trong nhóm dự án bị điều tra liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, Điện Gia Lai cũng đang vay nợ ngắn hạn 973 tỷ đồng thông qua ngân hàng và phát hành trái phiếu. Đáng kể nhất là lô trái phiếu GEGB2124002 mệnh giá 521,4 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Điện Gia Lai tại ngày cuối quý 3 đạt hơn 16.025 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, tổng lượng tiền đang nắm giữ đạt 1.101 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần đầu năm, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.
Ngược chiều, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 17%, còn 393 tỷ đồng, phần lớn nằm tại Công ty Mua bán điện của EVN. Chi phí xây dựng cơ bản cũng giảm 25%, xuống còn 270 tỷ đồng, do còn ghi nhận chi phí phát sinh tại hai dự án điện gió Salavan tại Lào và dự án điện mặt trời mái nhà TTCIZ.
Giữa tháng 8/2024, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp toàn bộ hồ sơ đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu, công nhận ngày vận hành thương mại; hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng và kiểm tra công suất lắp đặt thực tế của 32 dự án điện gió, điện mặt trời. Các dự án này liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương.
Trong danh sách 32 dự án này, Điện Gia Lai có 4 dự án điện gió quy mô lớn bao gồm Ia-Bang 1 (50 MW), VPL (30 MW), Tân Phú Đông 1 & 2 (100 MW & 50MW). Vietcombank là ngân hàng cấp tín dụng cho Điện Gia Lai làm các dự án điện gió này với tổng số tiền gần 6.500 tỷ đồng. Những dự án này đều nằm trong danh sách các dự án bị điều tra, gây quan ngại về khả năng sinh lời và tiềm năng phát triển lâu dài. Điều này làm tăng áp lực tài chính và rủi ro nợ vay cho công ty.
Minh Châu