Điện hạt nhân trở lại, mở đường cho chuyển đổi năng lượng

Điện hạt nhân trở lại, mở đường cho chuyển đổi năng lượng
9 giờ trướcBài gốc
Điện hạt nhân tái xuất trong chiến lược năng lượng quốc gia
Sau hơn một thập kỷ gián đoạn, điện hạt nhân chính thức trở lại bản đồ năng lượng Việt Nam. Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nêu rõ lộ trình đưa điện hạt nhân vào vận hành trong giai đoạn 2030-2035, với công suất từ 4.000 đến 6.400 MW. Đến năm 2050, con số này kỳ vọng đạt 10.500-14.000 MW, tương đương 1,4-1,7% tổng công suất hệ thống.
Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời đối mặt với áp lực lớn về an ninh năng lượng khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch dần bị thu hẹp. Điện hạt nhân, với đặc tính cung cấp nguồn điện ổn định, không phát thải CO₂ trong quá trình vận hành, đang được đánh giá là “điện nền” lý tưởng để hỗ trợ hệ thống năng lượng tái tạo vốn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
Sự trở lại này không phải là quyết định vội vàng. Nó được căn cứ trên định hướng dài hạn, theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 174/2024 của Quốc hội và các chỉ thị, cơ chế đặc biệt về đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đây cũng là điểm khác biệt so với lần tạm dừng dự án năm 2016, khi nền kinh tế còn chưa đủ lực, hệ thống pháp lý và hạ tầng chưa sẵn sàng.
Lần này, điện hạt nhân được tích hợp vào tổng thể chiến lược chuyển đổi năng lượng công bằng. Không chỉ đóng vai trò đảm bảo cung ứng điện an toàn cho các vùng phụ tải trọng yếu, điện hạt nhân còn là cơ hội để Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao, từng bước làm chủ chuỗi giá trị, từ thiết kế, xây dựng, vận hành đến xử lý chất thải.
Hướng đi dài hạn và bài toán về hạ tầng, công nghệ
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện hạt nhân, một loạt giải pháp về pháp lý, công nghệ và nhân lực đang được hoạch định. Về pháp luật, Chính phủ xác định cần rà soát, sửa đổi và bổ sung hệ thống văn bản pháp lý, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho lĩnh vực còn nhiều đặc thù như điện hạt nhân. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quy chuẩn an toàn hạt nhân phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo không chỉ an toàn kỹ thuật mà còn an toàn xã hội.
Ở góc độ công nghệ, việc phát triển điện hạt nhân đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật phức tạp, trình độ cao về khoa học – công nghệ. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhấn mạnh yêu cầu củng cố năng lực khoa học công nghệ quốc gia, đặc biệt là các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, và hệ thống kiểm định độc lập. Đây là nền tảng để Việt Nam từng bước tự chủ về công nghệ, tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Cùng với đó, hệ thống truyền tải cũng được thiết kế lại, đảm bảo tiêu chí N-2 đối với các vùng phụ tải đặc biệt quan trọng và khu vực có nguồn điện hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc phải đầu tư mạnh cho các đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV, cũng như xây dựng các trạm biến áp có khả năng dự phòng và vận hành linh hoạt trong điều kiện sự cố.
Một thách thức không nhỏ là nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt cho sự thành công của điện hạt nhân. Việt Nam cần có chiến lược đào tạo dài hạn, từ chương trình đại học đến các khóa huấn luyện chuyên sâu, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có kinh nghiệm như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, để tiếp cận công nghệ và mô hình vận hành tiên tiến.
Điện hạt nhân không chỉ là một phương án kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược trong bài toán phát triển bền vững. Việc tái khởi động điện hạt nhân thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, thành công hay không sẽ phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, công nghệ, nhân lực và đặc biệt là sự đồng thuận xã hội.
Bích Ngọc
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/dien-hat-nhan-tro-lai-mo-duong-cho-chuyen-doi-nang-luong-98423.html