Theo đài RT ngày 17-5, ông Peskov nói rằng hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine có thể gặp mặt sau khi nỗ lực hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện tại có tiến triển.
"Vấn đề quan trọng đối với Moscow vẫn là câu hỏi về việc ai sẽ là người Ukraine ủy quyền để ký bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào mà các nhà đàm phán đạt được" - ông Peskov ám chỉ đến việc nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kết thúc vào năm ngoái. Tuy nhiên, do đang trong tình trạng thiết quân luật nên Ukraine chưa tổ chức bầu cử.
Ông Peskov cũng từ chối bình luận về các thông tin rò rỉ liên quan tới các điều khoản mà Nga được cho là đã nêu ra với Ukraine khi đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý Nga chưa thảo luận với Mỹ về kết quả của các cuộc đàm phán tại Istanbul.
Hai phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16-5. Ảnh: AP
Moscow và Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2022 nhưng đổ vỡ nhanh chóng.
Hôm 16-5, hai phái đoàn Nga và Ukraine ngồi lại với nhau trong một cuộc họp kéo dài chưa tới 2 giờ do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian tại Istanbul.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết các bên đã nhất trí trao đổi về đề xuất ngừng bắn và thảo luận về một cuộc họp tiềm tàng kế tiếp.
Ông Medinsky nói thêm Moscow và Kiev cũng nhất trí về một cuộc trao đổi tù binh lớn, đồng thời thừa nhận Nga "hài lòng" với kết quả của các cuộc đàm phán và sẵn sàng "nối lại các cuộc tiếp xúc" với Ukraine.
Bloomberg trước đó đưa tin Nga đề xuất một danh sách các điều kiện bao gồm Ukraine đồng ý về quy chế trung lập, cấm quân đội nước ngoài và vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ mình và công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát. Theo hãng tin này, Moscow cũng muốn Kiev rút khỏi các khu vực đó trước khi ngừng bắn.
Ukraine ban đầu yêu cầu Nga đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong 30 ngày như một điều kiện tiên quyết để tổ chức đàm phán. Tuy nhiên, Nga bày tỏ lo ngại việc tạm ngừng bắn sẽ chỉ có lợi cho Ukraine và cho phép Kiev tập hợp lại lực lượng quân đội. Thay vào đó, Nga đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp mà không có điều kiện tiên quyết.
Mặc dù không muốn chấp nhận lời đề nghị trên song Tổng thống Zelensky đã thay đổi quyết định sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Ukraine đồng ý đàm phán ở Istanbul ngay lập tức.
Phạm Nghĩa