Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó, Reuters dẫn 5 nguồn thạo tin cho biết, Tổng thống Putin sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với ông Donald Trump, nhưng bác bỏ nhượng bộ lãnh thổ lớn đồng thời kiên quyết yêu cầu Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong cuộc họp báo ngày 20/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu bật Tổng thống Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán về Ukraine. Nhưng ông Peskov cũng đề cập rằng chính quyền Kiev đã cấm điều này. Tổng thống Putin cũng từng nói rằng Nga sẵn sàng đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Tổng thống đắc cử Mỹ Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, nhưng ông chia sẻ rõ phương hướng để đạt được điều này.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 1 tiếng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 15/11, ông Putin đã tái khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột ở Ukraine, dựa trên các đề xuất đã được Bộ Ngoại giao Nga công bố vào tháng 6.
Điện Kremlin đã chia sẻ về nội dung cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Scholz trông gần 2 năm qua: "Liên quan đến triển vọng giải quyết xung đột bằng chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga lưu ý rằng Moskva chưa bao giờ từ chối và vẫn sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán đã bị chính quyền Kiev làm gián đoạn”.
Tổng thống Putin đã họp với ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 6, trong đó ông nêu bật những điều kiện để đàm phán với Ukraine. Các điều kiện này bao gồm quân đội Ukraine rút khỏi Donetsk và Lugansk, các vùng Zaporizia, Kherson. Bên cạnh đó là cam kết của Ukraine về việc áp dụng quy chế không liên kết, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa đất nước, dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng tất cả điều kiện này phải được ghi nhận trong các thỏa thuận quốc tế cơ bản.
Theo cuộc thăm dò ý kiến do hãng tin Zerkalo Tizhnya (Ukraine) công bố vào giữa tháng 7, có 44% người Ukraine được hỏi sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình - con số cao nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Trong một cuộc khảo sát tương tự vào tháng 5/2023, chỉ có 23 % người Ukraine được hỏi muốn đàm phán hòa bình.
Ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ mong muốn đảm bảo Ukraine ở vị thế tốt nhất để bảo vệ lợi ích, song trong tương lai, vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua đàm phán.
Trong một diễn biến đáng chú ý gần đây, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/11 cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS tấn công vào tỉnh Bryansk. Dữ liệu xác nhận đây là tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định hệ thống phòng không Pantsir và S-400 của nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và gây hư hại một tên lửa. Phía Ukraine xác nhận tấn công một kho vũ khí quân sự ở Bryansk trong đêm nhưng không nêu loại vũ khí.
Sau vụ việc này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng đây là tín hiệu cho thấy phương Tây muốn "leo thang xung đột".
Cùng ngày 19/11, một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cho phép cung cấp mìn sát thương cho Ukraine. Phía Ukraine cam kết không sử dụng mìn sát thương ở các khu vực có dân thường sinh sống.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo TASS)