Lễ khánh thành dự án cấp điện làng Canh Tiến từ lưới điện quốc gia.
Cuộc sống vất vả vì thiếu điện
Làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định) là ngôi làng nhỏ nằm sâu trong lòng hồ Núi Một và rừng rậm núi cao, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 70 km.
Làng Canh Tiến hiện có 188 hộ, với 538 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm sinh sống. Để đến được làng, phải đi xuồng qua hồ hơn 10km, hoặc phải băng rừng, vượt đèo Nha Sam mất hơn 3 giờ đồng hồ.
Đường xá xa xôi, cách trở gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế và du lịch của làng Canh Tiến. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, làm nương rẫy…
Tính đến thời điểm trước ngày 26/4/2025, Canh Tiến là làng cuối cùng trên địa bàn huyện Vân Canh chưa có lưới điện quốc gia. Cũng chính vì thế nên đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Từ bao năm nay, bà con nơi đây luôn mong mỏi có điện về làng để nâng cao đời sống.
Người dân làng Canh Tiến trong ngày điện về làng.
Ông Đinh Văn Tào, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Canh Tiến cho biết, trước đây, do không có điện lưới và cả sóng điện thoại cũng chập chờ nên làng Canh Tiến như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đây cũng là khó khăn lớn nhất khiến người dân không thể phát triển kinh tế nên từ nhiều năm nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong làng vẫn rất khó khăn. Không những thế, vì không có điện nên các chủ chương của Đảng và Nhà nước người dân đều không nắm được.
Từ nhiều năm nay, người dân làng Canh Tiến vẫn phải cậy nhờ vào nguồn điện tích trữ từ các tấm pin năng lượng mặt trời hay máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Mặc dù chi phí sử dụng cao nhưng nguồn điện sinh ra không ổn định, chủ yếu chỉ có thể sử dụng để thắp sáng. "Vào những ngày trời mưa gió, không có ánh nắng để tạo điện nên cả làng Canh Tiến như chìm trong đêm đen. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là điện lưới quốc gia được đưa về làng để người dân bớt vất vả", ông Tào cho biết.
Đưa điện về bản làng
Từ chủ trương của UBND tỉnh Bình Định, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Bình Định đã nỗ lực triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho làng Canh Tiến.
Công trình cấp điện làng Canh Tiến từ lưới điện quốc gia có quy mô đầu tư xây dựng hệ thống đường dây trung áp xây dựng mới với chiều dài tuyến là 12,9 km; đường dây hạ áp xây dựng mới với chiều dài tuyến là 2,2km; xây dựng mới 3 trạm biến áp 22/0,23kV với tổng dung lượng 137,5kVA; lắp đặt 188 công tơ điện tử đo xa cho 188 hộ dùng điện và hệ thống điện trong nhà với bảng điện, ổ cắm, đèn chiếu sáng, cho tất cả các hộ dân.
Ngày 17/12/2024, công trình cấp điện cho làng Canh Tiến được khởi công với tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng, do Công ty Điện lực Bình Định làm chủ đầu tư. Trong suốt quá trình triển khai, công trình gặp không ít khó khăn: địa hình hiểm trở, đường vận chuyển vật tư lầy lội, rừng keo dày đặc, thủ tục giải phóng mặt bằng kéo dài; nhiều vị trí không có đường, đơn vị phải mở đường trên núi để thi công, dựng cột.
Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, mọi trở ngại từng bước được tháo gỡ. Sau hơn 4 tháng thi công thần tốc, đến ngày 26/4/2025, công trình chính thức đóng điện và đưa vào vận hành, vượt tiến độ so với kế hoạch.
Đặc biệt, cùng với việc kéo điện tới làng, Công ty Điện lực Bình Định đã miễn phí kéo đường dây điện sau công tơ tới nhà, và tặng hệ thống chiếu sáng trong nhà cho 188 hộ đồng bào làng Canh Tiến.
Tại buổi lễ khánh thành công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, sự kiện làng Canh Tiến được cấp điện từ lưới điện quốc gia là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, cũng như nỗ lực bền bỉ của ngành điện lực.
Cán bộ điện lực kéo điện tới gia đình các hộ dân làng Canh Tiến.
Đây không chỉ là dấu mốc khẳng định 100% hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được tiếp cận và sử dụng điện, mà còn là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Không giấu được sự phấn khởi, ông Đinh Văn Tào, Trưởng làng Canh Tiến cho biết, sự kiện điện lưới quốc gia được đưa về làng Canh Tiến đánh một dấu mốc quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của người dân trong làng. Ông Tàu tin rằng, sau khi có điện, bà con sẽ cố gắng thi đua phát triển kinh tế, sản xuất, lao động để ổn định cuộc sống gia đình, đóng góp cho xã hội.
Giống như những người dân làng Canh Tiến khác, chị Đinh Thị Thúy hy vọng ánh sáng đến từ điện lưới quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. "Trước mắt, trẻ có thể có ánh sáng ổn định để học tập, nâng cao kiến thức, thoát ra khỏi đói nghèo, lạc hậu. Người dân cũng có thể sử dụng điện để vận hành máy móc, nâng cao chất lượng sản xuất cũng như nắm bắt được những chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước", chị Tình chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Canh Liên, bên cạnh niềm vui có điện thì vấn đề sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cũng được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, chính quyền xã cũng như cán bộ điện lực đã tiến hành thông tin, giải thích cũng như hướng dẫn để bà con sử dụng, tránh những nguy cơ mất an toàn đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguyễn Duẩn