Ngày 18-4, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm một chặng đường - Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá”.
Quang cảnh hội thảo khoa học “50 năm một chặng đường - Lâm Đồng từ tỉnh khó khăn trở thành tỉnh phát triển khá”.
Hội thảo là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thật sự đột phá, quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững, thành nơi đáng đến, xanh, thân thiện, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết từ một tỉnh miền núi, chủ yếu sản xuất nông - lâm nghiệp, cơ cấu kinh tế và phân bổ lao động mất cân đối nghiêm trọng.
Cơ sở kinh tế có trên 6.000 ha chè, gần 30 cơ sở chế biến chè; diện tích cây cà phê khoảng 1.000 ha; có gần 3.000 ha rau, hoa và cây ăn trái; gần 2.000 ha cây lương thực sản xuất tại chỗ để giải quyết nhu cầu lương thực cho Nhân dân.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có một số cơ sở sửa chữa cơ khí, chế biến quy mô nhỏ ở Đà Lạt và Bảo Lộc, còn hầu hết các địa phương khác chưa phát triển. Cơ sở vật chất - kỹ thuật công nghiệp nghèo nàn, chỉ có hai nhà máy sản xuất đồ sứ, một số nhà máy xẻ gỗ với thiết bị máy móc lạc hậu.
Cùng với đó, sau ngày giải phóng nền kinh tế tỉnh Lâm Đồng rất khó khăn khi đất rộng, người thưa, địa hình chia cắt, chịu sự tàn phá của chiến tranh, chủ yếu là sản xuất nhỏ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, hệ thống đường giao thông trong điều kiện chiến tranh không được tu sửa, bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng.
Thế nhưng, sau 50 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả quan trọng và là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, tăng 5,1%, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thu ngân sách 13.100 tỉ đồng.
Festival Hoa Đà Lạt là điểm sáng trong ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng.
Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, các giải thể thao cấp quốc gia… Đặc biệt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X thành công, tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của Châu Á.
Cảng hàng không Liên Khương được công nhận là Cảng hàng không quốc tế; hệ thống hạ tầng giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện tạo điều kiện thông suốt trong giao thông; hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được công bố; tiến độ đầu tư các dự án đường cao tốc trên địa bàn tỉnh đang được đẩy nhanh; đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1) đã được phê duyệt, với tổng mức đầu tư 17.718 tỉ đồng tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Lâm Đồng - Đà Lạt...
VÕ TÙNG