Nghị quyết số 60 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước, giảm từ 63 đơn vị xuống còn 34 đơn vị.
Theo dự kiến toàn bộ 13 tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ sắp xếp xuống còn 6 đơn vị hành chính cấp tỉnh, với tổng dân số gần 18 triệu người, diện tích khoảng 44.963,5 km2.
Tổng GRDP toàn vùng tính theo giá hiện hành được Chi cục Thống kê các tỉnh công bố trong năm 2024 ước đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người toàn vùng đạt gần 80 triệu đồng/người/năm.
Trung tâm công nghiệp - logistics tại Tây Ninh mới
Tỉnh mới được hình thành từ việc sáp nhập Tây Ninh và Long An sẽ có tên là Tây Ninh với diện tích 8.536,5 km2 và dân số gần 3 triệu người. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cộng gộp đạt khoảng 247.213 tỷ đồng, với Tây Ninh 123.878 tỷ và Long An ước đạt 123.335 tỷ đồng trong năm 2024.
Nếu xét tốc độ tăng trưởng năm 2024, Tây Ninh tăng 8,45% và Long An tăng 8,3%, cả hai đều vượt mục tiêu và trung bình khu vực. GRDP bình quân đầu người khoảng 92,5 triệu đồng/người/năm.
Long An tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI tại ĐBSCL với tổng vốn đăng ký hơn 12,6 tỷ USD, tạo đà tăng trưởng cho tỉnh mới trong dài hạn. Tỉnh cũng là cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, nổi bật với cụm KCN Đức Hòa - Bến Lức - Cần Giuộc tập trung nhiều doanh nghiệp FDI.
Tây Ninh tuy xa hơn nhưng lại có quỹ đất lớn, hạ tầng công nghiệp đang phát triển mạnh như KCN Phước Đông, KCN Thành Thành Công...
Khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ sở hữu vành đai công nghiệp - đô thị liên tục, là vùng đệm và vùng phát triển mở rộng của TP.HCM. Doanh nghiệp khai thác tại đây sẽ có thêm lựa chọn mặt bằng rộng, giá rẻ, nhưng vẫn gần thị trường lớn.
Vinhomes dự kiến xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây từ năm 2026 và hoàn thiện toàn bộ công trình vào cuối năm 2030. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đô thị hiện đại tại Cần Thơ mới
Ba đơn vị hành chính hiện nay là Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ sẽ sáp nhập thành một đô thị trực thuộc Trung ương với tên gọi Cần Thơ, có dân số hơn 3,2 triệu người và diện tích 6.360,8 km2.
Tổng GRDP của 3 địa phương ước tính đạt khoảng 224.942 tỷ đồng trong năm 2024. GRDP bình quân đầu người sau sáp nhập đạt khoảng 91,6 triệu đồng/người/năm.
Với đà tăng trưởng lần lượt 7,07% (Sóc Trăng), 8,76% (Hậu Giang), và 11,47% (Cần Thơ), Cần Thơ mới sẽ có vai trò trung tâm kinh tế - khoa học - công nghệ - dịch vụ - giáo dục của toàn vùng.
Nếu ba địa phương làm tốt việc tăng cường kết nối sau sáp nhập sẽ tạo tam giác kinh tế chiến lược ở trung tâm hạ lưu sông Hậu, đóng vai trò đầu tàu phía Nam vùng ĐBSCL.
Sóc Trăng có lợi thế lớn về thủy sản và cảng biển (Trần Đề), có thể đảm nhận vai trò đầu mối xuất khẩu. Hậu Giang sở hữu các khu công nghiệp lớn, đặc biệt là Sông Hậu và Tân Phú Thạnh, thuận tiện để chế biến và phát triển logistics nội địa. Cần Thơ là trung tâm tài chính, thương mại, đóng vai trò điều phối, hỗ trợ vốn, nhân lực, công nghệ.
Liên kết giúp hình thành một “tam giác phát triển” với trung tâm hành chính, giáo dục, thương mại là Cần Thơ; trung tâm công nghiệp - chế biến là Hậu Giang và trung tâm cảng biển - xuất khẩu là Sóc Trăng. Tam giác này nếu được đầu tư đồng bộ sẽ trở thành “vùng động lực tăng trưởng mới” của miền Tây, tương tự như vùng Đông Nam Bộ với TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai.
Toàn cảnh khu kênh đào giao thương tại Cần Thơ. Ảnh: Phạm Ngôn.
Kinh tế ven biển năng động Vĩnh Long mới
Việc sáp nhập Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh tạo nên tỉnh mới mang tên Vĩnh Long với diện tích 6.296,2 km2 và dân số hơn 3,36 triệu người. Tổng GRDP địa phương mới ước đạt 174.389 tỷ đồng, trong đó Trà Vinh chiếm hơn một nửa với 96.623 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người khoảng 80 triệu/người/năm.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình của 3 địa phương đều đạt trên 7%, khu vực này đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới nhờ hạ tầng điện gió, cảng biển và công nghiệp chế biến.
Bến Tre nổi tiếng với dừa, trái cây và thủy sản nước mặn; Trà Vinh mạnh về tôm nước lợ, cá tra và có cảng biển Định An; Vĩnh Long lại là vựa cây ăn trái và rau màu lớn. Khi liên kết, tỉnh mới có thể xây dựng chuỗi giá trị nông thủy sản khép kín, từ nuôi trồng đến chế biến rồi xuất khẩu qua đầu mối Cảng Định An tạo thành quy mô vùng khép kín nhưng hiệu quả.
Ngoài ra, Trà Vinh và Bến Tre đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ven biển, mở ra hướng đi xanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại Khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Thủ phủ nông sản xuất khẩu tại Đồng Tháp mới
Tiền Giang và Đồng Tháp sau sáp nhập sẽ tạo nên tỉnh mới là Đồng Tháp với quy mô dân số gần 3,4 triệu người và diện tích 5.938,7 km2. GRDP năm 2024 cộng gộp đạt khoảng 259.972 tỷ đồng, trong đó Tiền Giang đóng góp 137.272 tỷ đồng và Đồng Tháp đạt 122.700 tỷ đồng.
GRDP bình quân đầu người của tỉnh mới đạt khoảng 76,53 triệu đồng/người/năm. Tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 6,7%. Đây cũng là địa phương duy nhất trong vùng đạt mốc xuất khẩu 2 tỷ USD nhờ thế mạnh về gạo và thủy sản.
Thương mại biên mậu sầm uất tại Cà Mau mới
Việc sáp nhập Bạc Liêu và Cà Mau tạo thành tỉnh Cà Mau mới với diện tích 7.942,4 km2 và dân số hơn 2,1 triệu người. GRDP theo giá hiện hành năm 2024 của tỉnh mới ước đạt 153.160 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người sau sáp nhập đạt khoảng 71,5 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng trung bình trên 7%.
Sau sáp nhập, các khu vực sản xuất nông sản lớn của Tiền Giang như Mỹ Tho và vùng trái cây của Đồng Tháp, đặc biệt là các khu vực như Sa Đéc, sẽ dễ dàng kết nối hơn nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện.
Bên cạnh đó, việc liên kết vùng cũng sẽ tạo ra một mạng lưới vận tải và logistics mạnh mẽ, giúp các khu kinh tế cửa khẩu như Dinh Bà (Đồng Tháp) và Mỹ Tho (Tiền Giang) kết nối chặt chẽ hơn với các thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là với Campuchia và các nước ASEAN).
Những ghe hàng hóa đầy ắp chợ nổi Cà Mau. Ảnh: Shutterstock.
Vựa nông sản tại An Giang mới
Tỉnh An Giang mới sau sáp nhập giữa Kiên Giang và An Giang sẽ là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng với 9.888,9 km2 và dân số gần 3,7 triệu người. GRDP cộng gộp năm 2024 đạt khoảng 205.031 tỷ đồng, trong đó Kiên Giang là 78.260 tỷ và An Giang là 126.771 tỷ.
GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 74 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 7%, địa phương mới giữ vai trò như trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản và du lịch sinh thái của khu vực Tây Nam Bộ.
Tỉnh An Giang mới sẽ có các vùng sản xuất nông sản lớn như lúa gạo, trái cây và thủy sản. An Giang có thế mạnh trong việc sản xuất lúa gạo, đặc biệt là gạo thơm, cùng với các loại trái cây như xoài, bưởi, quýt, và cam. Kiên Giang, với thế mạnh về thủy sản, đặc biệt là tôm và cá, sẽ tạo ra một mạng lưới sản xuất và chế biến nông sản, thủy sản phong phú.
Các khu kinh tế cửa khẩu tại An Giang, như cửa khẩu Tịnh Biên, cửa khẩu Vĩnh Xương. Kiên Giang cũng sở hữu khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, nơi có tiềm năng xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia như Campuchia và Thái Lan.
Việc sáp nhập sẽ giúp các vùng sản xuất này kết nối mạnh mẽ hơn, tạo ra vựa nông sản giá trị khép kín, từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu.
Trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, ĐBSCL sau sáp nhập được kỳ vọng sẽ trở thành một vùng kinh tế có tính cạnh tranh cao hơn, đồng bộ hơn và đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế quốc gia.
Hồng Nhung