Diện mạo mới của mỹ thuật Bắc Giang

Diện mạo mới của mỹ thuật Bắc Giang
8 giờ trướcBài gốc
Nét mới lạ, độc đáo trong sáng tác
Nhìn lại chặng đường mỹ thuật Bắc Giang trong 50 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2025) thấy rõ bước phát triển. Số lượng và chất lượng tác phẩm tăng; chất liệu, phong cách sáng tác đa dạng, từ chất liệu bột màu trên giấy báo tận dụng là chủ yếu thì nay đã chuyển tiếp sang sơn dầu, sơn mài, lụa. Điêu khắc từ chất liệu thạch cao, xi măng là chính đã chuyển dần sang đồng, đá, gỗ, nhôm, inox, sắt, thép và nhiều thể nghiệm mới. Trong kháng chiến và những năm đất nước mới thống nhất, tranh của các họa sĩ phần lớn để tuyên truyền và cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Những năm sau này, vai trò của mỹ thuật dần rộng mở hơn. Công chúng thấy rõ một thế hệ họa sĩ đang háo hức muốn tìm những hình thức biểu đạt mới; sẵn sàng đón nhận những khuynh hướng mới trong sáng tác và đạt thành tựu nhất định.
Tác phẩm của họa sĩ Bắc Giang tham gia triển lãm mỹ thuật ở Hà Nội.
Những thế hệ họa sĩ thành danh đã có đóng góp xứng đáng cho mỹ thuật Bắc Giang. Hiện nay, dù cao tuổi nhưng những họa sĩ như: Ngô Xuân Thuận, Nguyễn Duy Lập, Bùi Ngọc Lân, Đào Xuân Dương… vẫn miệt mài sáng tác và truyền lửa nhiệt huyết cho các thế hệ sau. Lớp họa sĩ trung tuổi như Vũ Công Trí, Trương Đình Huy, Trương Quang Hải, Nguyễn Văn Tĩnh, Ngô Đắc Lợi, Vũ Minh Hướng, Lưu Xuân Khuyến, Nguyễn Chí Hướng… cũng đã định hình, ổn định phong cách cá nhân trong tác phẩm, nội lực sáng tạo dồi dào và đầy sức lan tỏa. Tiêu biểu như họa sĩ Nguyễn Chí Hướng, sinh năm 1979, công tác tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Động. Anh đã có những tác phẩm đầy cảm xúc, mang thông điệp về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Tham gia triển lãm “Câu chuyện vùng cao” tại Hà Nội cuối năm 2024, các tác phẩm mỹ thuật của anh phản ánh chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường của những con người vùng núi phía Bắc. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn về phong tục, tập quán và chân dung những con người vùng cao mộc mạc, chất phác, gần gũi. Trong đó phải kể đến các tác phẩm về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Động như: “Thiếu phụ Dao”, “Phút thảnh thơi”; “Giấc mơ trên lưng”; “Chuyện đầu năm”. Cùng đó là những tác phẩm thể hiện phong tục, tập quán mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào như “Đám cưới người Dao”, “Lễ cấp sắc”, “Lễ cầu mùa”…
Hay như họa sĩ Vũ Công Trí, sinh năm 1976 có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ và các bức phù điêu (gốm, đồng) mang giá trị nghệ thuật cao. Trong tác phẩm của anh, công chúng thấy sự tĩnh lặng, chất “thiền”, hướng đến vẻ đẹp thuần khiết. Thiên nhiên và con người trong tượng và phù điêu của anh hòa quyện, hoán đổi, đồng nhất và chuyển hóa thành một thực thể gợi cảm và sống động.
Điều đáng mừng là đội ngũ họa sĩ trẻ ngày càng phát triển, số hội viên tham gia Chi hội mỹ thuật (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) ngày càng nhiều và hầu hết được đào tạo qua trường lớp chính quy. Số lượng sáng tác hằng năm nhiều hơn, đa dạng về cách nhìn, phương pháp thể hiện cũng như chất liệu, đóng góp thiết thực vào sự phát triển nghệ thuật của tỉnh.
Khẳng định tài năng
Lớp họa sĩ kế cận trong giai đoạn đổi mới có khuynh hướng nghệ thuật đa phong cách, nhiều thể nghiệm. Các họa sĩ đã từng bước hòa nhập với các trào lưu quốc tế song vẫn chú ý thể hiện bản sắc riêng dựa trên những trải nghiệm cá nhân và cách nhìn riêng biệt. Sự tự tin, mới mẻ, nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật đã dần thu hẹp khoảng cách về trình độ, chất lượng nghệ thuật của mỹ thuật Bắc Giang với mặt bằng chung của mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời vẫn phản ánh hơi thở cuộc sống, bản sắc văn hóa, công cuộc xây dựng và phát triển của Bắc Giang trong tác phẩm.
Tác phẩm "Vườn nhiệt đới" của tác giả Vũ Công Trí (Bắc Giang) đoạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 28 năm 2023.
Ngoài triển lãm mỹ thuật toàn quốc, từ năm 1996, hằng năm, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực tạo sân chơi rộng mở, để các họa sĩ, nhà điêu khắc được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, đưa tác phẩm mỹ thuật tới công chúng nhanh nhất, rõ nhất. Mỹ thuật Bắc Giang nhờ đó đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực Tây Bắc - Việt Bắc và toàn quốc. Số lượng tác phẩm của các họa sĩ trong tỉnh tham dự và được trưng bày triển lãm ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao.
Sự tự tin, mới mẻ, nghiêm túc trong công việc sáng tạo nghệ thuật đã dần thu hẹp sự chênh lệch về trình độ, chất lượng nghệ thuật của mỹ thuật Bắc Giang với mặt bằng chung của mỹ thuật Việt Nam.
Theo đánh giá của các thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật Trung ương, đội ngũ họa sĩ Bắc Giang hiện nay có trình độ tay nghề vững vàng, đầu tư chất liệu làm tác phẩm tốt. Tư duy nghệ thuật trong tác phẩm mang phong cách cá nhân và dấu ấn riêng biệt. Ngày càng nhiều tác phẩm của họa sĩ Bắc Giang được chọn và trưng bày trong các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc; nhiều tác phẩm đoạt giải.
Tiêu biểu như họa sĩ Vũ Công Trí đoạt tổng số 11 giải tại các triển lãm khu vực và toàn quốc, trong đó tại triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc năm 2023, anh đã đoạt giải A với tác phẩm điêu khắc “Vườn nhiệt đới” (tượng gỗ). Tại triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 29 năm 2024, họa sĩ Lưu Thế Hân được trao giải C với tác phẩm "Chiều Bắc Sơn".
Minh Tuệ
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/dien-mao-moi-cua-my-thuat-bac-giang-postid418173.bbg