Các tuyến cao tốc trục Bắc-Nam tạo diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc nhưng chỉ trong thời gian ngắn, mạng lưới hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển biến tích cực, ngày càng hoàn thiện với nhiều cây cầu hiện đại cùng 120km đường cao tốc được đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, 428km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và quyết tâm của các địa phương, các dự án đều nỗ lực phấn đấu mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Cuối năm 2023, thời điểm cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành và đưa vào khai thác mang nhiều ý nghĩa trong giảm thiểu ùn tắc, đặc biệt tạo diện mạo mới cho giao thông vùng sông nước Cửu Long khi kết nối đầu tàu kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh với thủ phủ Đồng bằng sông Cửu Long là Thành phố Cần Thơ bằng tuyến cao tốc chạy thông suốt.
Theo đó, rút ngắn 50km quãng đường Thành phố Hồ Chí Minh- Cần Thơ tương đương thời gian đi chỉ khoảng 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ nhận định cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ là sự trông chờ của người dân Cần Thơ cũng như cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Công trình giao thông này cũng giúp cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long được gắn kết với nhau, tạo thành một chuỗi phát triển kinh tế đồng đều và liên thông.
Điều này giúp cho việc đẩy mạnh du lịch và trao đổi văn hóa giữa các địa phương trở nên dễ dàng hơn.
Sau sự kiện đặc biệt này, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ kết nối với cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương còn giúp doanh nghiệp cắt giảm được nhiều khoản chi phí phát sinh do việc di chuyển được thuận lợi hơn.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (trước đây), các công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc đang triển khai thi công, được quyết định đầu tư, được chuẩn bị thi công mới là điều rất đáng mừng đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, mạng lưới giao thông đường bộ của vùng được hình thành 6 trục dọc và 9 trục ngang; các tuyến kết nối nội vùng, liên vùng; cầu vượt sông Tiền, sông Hậu; các cầu lớn như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 1, Mỹ Thuận 2...
Thực tế đã chứng minh giao thông đi trước, kinh tế phát triển theo sau. Với diện mạo mới hệ thống hạ tầng giao thông, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,31%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; trong đó, nhiều địa phương dẫn đầu, như Trà Vinh đạt 10,04%, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top 10 của cả nước; tiếp đến là Hậu Giang đạt 8,76%, Long An đạt 8,3%, Kiên Giang 7,5%, Tiền Giang đạt hơn 7%.
Mức thu nhập bình quân đầu người trong vùng đạt 80,7 triệu đồng/năm, đứng thứ 5/6 so với các vùng trên cả nước.
Trở lại với Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc, những năm gần đây, hạ tầng giao thông, nhất là những công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã có bước “chuyển mình,” tạo nên những trục kết nối quan trọng. Qua đó, định hình hệ thống giao thông bộ cơ bản thông suốt, tạo động lực và nền tảng cho sự phát triển toàn diện, vững chắc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết cầu sông Ông Ðốc vận hành cùng trục lộ Ðông-Tây xuyên qua Quốc lộ 1, thẳng tắp về đến xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) hứa hẹn sẽ tạo sự khởi sắc, khai thác tiềm năng phố biển và những vùng lân cận.
Công nhân nỗ lực thi công để đảm bảo tiến độ công trình cầu Gành Hào nối hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)
Nhiều công trình mới, cải tạo và nâng cấp sắp hoàn thành như cầu Gành Hào (xã Tân Thuận); xây mới, mở rộng và cải tạo đường Ðầm Dơi-thành phố Cà Mau; mở rộng và cải tạo đường Vàm Ðình-Cái Ðôi Vàm; xây mới, mở rộng và cải tạo đường U Minh-Khánh Hội.
Theo ông Lâm Văn Bi, kỳ vọng lớn hơn khi Chính phủ quyết tâm đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành dự án cao tốc Hậu Giang-Cà Mau. Từ đây cho thấy việc đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm đã mang tính toàn diện, không những cho vùng nội địa mà hướng đến khai thác mang tính kết nối các trung tâm kinh tế biển, kết nối vùng nội địa với vùng ven biển và các khu, cụm công nghiệp theo nhu cầu phát triển.
Tầm nhìn chiến lược này cho thấy việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ không chỉ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội mà còn gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Người dân vùng cực Nam càng phấn khởi hơn khi tới đây tuyến cao tốc sẽ kéo dài từ thành phố Cà Mau về tận Ðất Mũi được triển khai xây dựng giai đoạn 2026 - 2030.
Trên “đại công trường” vùng sông nước
Theo Bộ Xây dựng, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Trong số đó có 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km và hai dự án cầu, đường bộ.
Cả Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một “đại công trường” với nhiều dự án cao tốc mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, đang khẩn trương thi công như dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh-An Hữu; cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận...
Trên dòng sông Tiền, công trường cầu Rạch Miễu 2 một ngày cuối tháng 3/2025, không khí làm việc hối hả của anh em kỹ sư, công nhân trên công trường càng trở nên rộn ràng.
Chỉ huy phó công trường cầu Rạch Miễu 2 Trịnh Thành Nhân là vui nhất, trời nắng, mồ hôi lăn trên khuôn mặt sạm đen của anh không giấu nổi vẻ rạng rỡ: "Với tinh thần làm việc “xuyên lễ, xuyên Tết,” “vượt nắng thắng mưa,” gần bốn tháng qua tôi chưa về thăm nhà ở Hà Nội, nên hôm nay rất mừng khi được vợ tôi vào thăm.
Thật sự xúc động trong hoàn cảnh đặc biệt này và tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui với tất cả anh em ở đây, coi đây là động lực để tiếp tục cố gắng nỗ lực làm việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ đưa dự án về đích đúng kế hoạch."
Cầu chính dây văng dự kiến ngày 30/4/2025 sẽ hợp long. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư dự án cho biết tiến độ tổng thể cầu Rạch Miễu 2 hiện đã hoàn thành được hơn 80%, vượt tiến độ chung hơn 4% so với kế hoạch; riêng phần cầu chính - cầu Rạch Miễu 2 đang vượt tiến độ hơn 15%.
Dự kiến ngày 30/4/2025 đúng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sẽ hợp long cầu chính dây văng và đến ngày Quốc khánh 2/9/2025 hoàn thành toàn bộ dự án.
Cùng với cầu Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng), sắp tới cầu Đình Khao nối Vĩnh Long - Bến Tre,… cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang - Bến Tre) đi vào khai thác sẽ góp phần vào kỳ vọng tháo được nút thắt, thông các tuyến huyết mạch, kết nối các địa phương trong vùng tốt hơn.
Theo Bộ Xây dựng, được khởi công từ tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, nhưng hiện khối lượng thi công cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng mới đạt tổng thể trên 30%, chậm so với kế hoạch đề ra.
Thời gian qua, công tác gia tải, xử lý nền đất yếu dự án kéo dài từ 12-15 tháng, cộng với việc thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường (hiện mới xác định nguồn được khoảng 23 triệu m3/tổng nhu cầu khoảng 29 triệu m3) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận hiện đang chủ đầu tư một số dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có dự án giao thông trọng điểm là dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết cũng như các dự án khác, vướng mắc chung là giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của thời tiết. Bên cạnh đó là nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu cát đắp nền đường.
Đối với vướng mắc như giải phóng mặt bằng đến nay đã được khắc phục xong, không ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, về nguồn vật liệu, đặc biệt đoạn cao tốc Bắc-Nam từ Cần Thơ đến Cà Mau đang cần một khối lượng lớn để thi công.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo ngành chỉ đạo rất quyết liệt, các địa phương cũng đã vào cuộc hỗ trợ, nhưng đến nay nguồn vật liệu mang về công trường mới được khoảng 2/3 khối lượng.
Khối lượng cát san lấp cung cấp hàng ngày chưa đáp ứng được yêu cầu thi công.../.
Bài cuối: Động lực cho không gian phát triển mới
(TTXVN/Vietnam+)