Diện mạo mới ở Tiểu khu Trọng Con

Diện mạo mới ở Tiểu khu Trọng Con
12 giờ trướcBài gốc
Từ mỏm đá Thác Vệ đến những trang sử vàng
Thực hiện Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, ngày 1-6-1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 54 chiến sĩ do đồng chí Lê Tâm (tức Lê Quảng Ba), đồng chí Nam Hải (tức Bế Triều) xuất phát từ Cao Bằng về đến tổng Bằng Hành (tổng gồm 5 xã: Kim Ngọc, Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản, Vô Điếm thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũ).
Giáo dục truyền thống cách mạng tại khu di tích Tiểu khu Trọng Con luôn được xã Bằng Hành chú trọng.
Để đảm bảo bí mật an toàn, các đồng chí trong ban chỉ huy chia thành từng nhóm đi tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, mở được nhiều lớp đào tạo ngắn ngày, thành lập các đội du kích, tự vệ và các đoàn thể cứu quốc. Từ đó, dần xây dựng được căn cứ cách mạng vững chắc, làm bàn đạp thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở địa phương.
Ngày 14-6-1945, nhân dân các xã thuộc tổng Bằng Hành đã họp, bầu ra Ủy ban Hành chính các xã và thành lập đội tự vệ; các xã này hợp thành khu căn cứ cách mạng lấy tên người chiến sĩ cộng sản Lý Tự Trọng, nhân dân trong vùng thường gọi một cách thân mật là Tiểu khu Trọng Con.
Ngày 24-6-1945, cuộc mít tinh lớn tại chân cầu Thác Vệ đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, thành lập Ủy ban Hành chính cách mạng và Mặt trận Việt Minh. Phong trào lan rộng, khí thế cách mạng lên cao, từ Tiểu khu Trọng Con, ánh sáng cách mạng đã chiếu rọi khắp vùng sơn cước, đưa phong trào cách mạng phát triển sang các địa phương khác, tạo thành một cao trào cách mạng dân tộc to lớn, cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Tháng Tám năm 1945.
Đứng trên mỏm đá dưới chân cầu Thác Vệ bên bờ sông Lô, nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên của đội vũ trang tuyên truyền, căn cứ cách mạng đầu tiên ở Tiểu khu Trọng Con và cũng là nền nhà cũ của cụ bà Nguyễn Thị Xu - người từng nuôi giấu cán bộ cách mạng, ông Nguyễn Văn Đảo (cháu nội của cụ bà Nguyễn Thị Xu) xúc động kể lại: “Bà tôi từng dùng cả gia tài để nuôi cán bộ Việt Minh. Ngày đoàn quân về, cả nhà thịt lợn, gà, gói bánh nếp, nấu cơm phục vụ đội giải phóng. Năm 1964, bà nội tôi được Nhà nước tặng bằng có công với nước vì đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng. Chúng tôi rất tự hào là gia đình có công với cách mạng, với đất nước, luôn sống gương mẫu và giáo dục con cháu về truyền thống của gia đình mình”.
Vùng quê “thay áo mới”
Năm 1996, di tích lịch sử cách mạng Tiểu khu Trọng Con được Nhà nước công nhận là Di tích cấp quốc gia. Ngày nay, khu di tích thuộc xã Bằng Hành mới - xã được hình thành từ sáp nhập của 3 xã Bằng Hành, Kim Ngọc và Vô Điếm. Với diện tích hơn 15.000 ha, dân số hơn 16.000 người, xã có tới 13 dân tộc cùng sinh sống hòa thuận, trong đó người Tày chiếm đa số.
Đồng chí Nguyễn Bá Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bằng Hành phấn khởi cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cấp ủy, chính quyền địa phương đang nỗ lực đưa vùng đất từng chịu nhiều đau thương, thiếu thốn vươn mình mạnh mẽ. Các tuyến đường liên xã, tuyến Quốc lộ 279 đã được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương, kết nối chợ phiên truyền thống với những nét văn hóa vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Cùng với sự chung tay, góp sức, đồng thuận trong nhân dân đang là chìa khóa để địa phương dựng xây cuộc sống ấm no”.
Kinh tế địa phương chuyển dịch rõ rệt. Nông nghiệp được xem là mũi nhọn với các vùng chuyên canh lúa, ngô, lạc, chè và cây ăn quả có múi. Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy trên 544 ha lúa, xã có hơn 250 ha chè đang cho thu hoạch; 204 ha ngô, 162 ha lạc chuyên canh, 51 ha cam là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn gia súc toàn xã lên đến gần 16.300 con, gia cầm hơn 121.000 con. Công tác thú y, phòng dịch được chú trọng, không để dịch bệnh bùng phát. Xã thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng minh bạch, hiệu quả. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo an toàn trong mùa khô.
Toàn xã hiện có 9 trường học công lập: 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 THCS và 1 trường THPT thuộc tỉnh. Công tác giáo dục được quan tâm, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai. Y tế cơ sở duy trì hoạt động tốt, các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo tiêm chủng định kỳ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt trong phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện nghiêm túc, hỗ trợ kịp thời cho người có công, hộ nghèo, bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm toàn xã chỉ còn 5,75%, hộ cận nghèo 7,96%. Các chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xóa nhà tạm được triển khai đúng đối tượng, đúng tiến độ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Với mục tiêu gần dân, sâu sát nhân dân để phục vụ người dân tốt hơn, xã Bằng Hành đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công xã đi vào hoạt động từ 1-7-2025; tiếp nhận, giải quyết hàng chục hồ sơ mỗi tuần. Từ công tác tuyên truyền, nhân dân đồng thuận cao với mô hình chính quyền 2 cấp, cán bộ được bố trí đúng người, đúng việc, đảm bảo chất lượng công vụ. Vì thế, Bằng Hành là một trong các địa phương đi đầu trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, giữ vững quốc phòng - an ninh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, địa bàn ổn định, không xảy ra điểm nóng, tệ nạn xã hội giảm mạnh, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.
Giữa khung cảnh thanh bình nơi vùng quê cách mạng, dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch sẽ nối liền những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày khang trang, ông Vi Quang Duẩn, trưởng thôn Thác, xã Bằng Hành chỉ tay ra cánh đồng lúa xanh ngút tầm mắt rồi bảo: Mùa nào cũng thế, người dân biết cách gieo cấy giống lúa năng suất cao nên cuộc sống no đủ. Chung tay xây dựng nông thôn mới, nhà thì góp sức, góp của, góp công, hiến đất làm đường; ai cũng đồng lòng đẩy lùi hủ tục để xây dựng nếp sống văn minh. “Khu di tích Tiểu khu Trọng Con nằm trong thôn Thác nên mọi người đều gìn giữ để nhắc nhở các thế hệ sau tiếp nối truyền thống cách mạng để không ngừng cố gắng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
ù còn nhiều gian khó, nhưng với nền tảng cách mạng vững vàng, truyền thống đoàn kết và quyết tâm đổi mới, quê hương cách mạng Tiểu khu Trọng Con hôm nay đang từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển. Người dân tin tưởng cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang, vùng đất lịch sử này sẽ tiếp tục “cất cánh”, trở thành biểu tượng của sự “hồi sinh” và phát triển bền vững giữa núi rừng Đông Bắc.
Bài, ảnh: Hải Đăng
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/thoi-su-chinh-tri/tin-tuc/202507/dien-mao-moi-otieu-khu-trong-con-e5972d4/