Điện thoại bẩn hơn bệ bồn cầu, làm sao để vệ sinh đúng cách?

Điện thoại bẩn hơn bệ bồn cầu, làm sao để vệ sinh đúng cách?
2 ngày trướcBài gốc
Theo một khảo sát vào tháng 12/2024, người Mỹ dành hơn 5 giờ mỗi ngày dùng điện thoại. Với tần suất sử dụng cao như vậy, không có gì ngạc nhiên khi điện thoại trở thành ổ vi khuẩn, thậm chí còn bẩn hơn bệ bồn cầu.
Điện thoại tích tụ vi khuẩn và mầm bệnh trong suốt cả ngày, vì thế cần vệ sinh thường xuyên cho "dế cưng" nhưng phải đúng cách. Ảnh: CNET
Vì thường xuyên cầm nắm và áp sát vào mặt, việc làm sạch điện thoại không chỉ là thói quen tốt mà còn cần thiết cho sức khỏe người dùng.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) khuyến nghị khử trùng điện thoại hàng ngày, nhưng không phải phương pháp nào cũng an toàn.
Hóa chất mạnh và vật liệu mài mòn có thể làm hỏng lớp phủ bảo vệ và ảnh hưởng đến màn hình. Để giữ điện thoại luôn sạch sẽ mà không làm hỏng nó, người dùng cần áp dụng đúng kỹ thuật làm sạch.
Có nhiều cách an toàn và hiệu quả để vệ sinh điện thoại mà không gây hại. Dưới đây là hướng dẫn giúp giữ điện thoại không còn vi khuẩn, dù là iPhone, Samsung hay bất kỳ dòng nào khác.
Những sản phẩm tốt nhất để vệ sinh điện thoại hàng ngày
Sau khi chạm vào các bề mặt công cộng như tay nắm cửa, ghế xe buýt, xe đẩy siêu thị, cây xăng, người dùng có thể nghĩ rằng cần một chất tẩy rửa mạnh để lau điện thoại.
Tuy nhiên, không nên sử dụng cồn nguyên chất hoặc các sản phẩm có chứa cồn đậm đặc, vì chúng có thể làm hỏng lớp phủ bảo vệ chống dầu và nước trên màn hình.
Một số người tự pha dung dịch cồn với nước, nhưng nếu nồng độ không đúng, điện thoại có thể bị hư hại. Cách an toàn nhất là dùng khăn lau khử trùng chứa cồn isopropyl 70% (có bán ở các hiệu thuốc, cửa hàng hóa chất, hoặc siêu thị).
Người dùng cũng có thể cân nhắc sử dụng thiết bị khử trùng bằng tia UV như PhoneSoap, giúp tiêu diệt 99,99% vi khuẩn mà không làm hại màn hình.
Ngoài ra, các hãng công nghệ cũng đã cập nhật hướng dẫn vệ sinh điện thoại: Apple hiện chấp nhận dùng khăn lau Clorox và các dung dịch khử trùng tương tự; AT&T khuyên dùng dung dịch cồn isopropyl 70%, xịt lên khăn mềm và lau điện thoại; Samsung cũng khuyến nghị sử dụng dung dịch cồn 70% và khăn microfiber.
Lưu ý, phải tắt nguồn điện thoại trước khi vệ sinh để đảm bảo an toàn.
Cách loại bỏ dấu vân tay, cát và vết trang điểm
Đôi khi, việc vệ sinh điện thoại hàng ngày chưa đủ để làm sạch những vết bẩn cứng đầu như cát sau chuyến đi biển hay vết trang điểm...
Loại bỏ dấu vân tay
Dấu vân tay xuất hiện do dầu tự nhiên từ da tay, và mỗi lần cầm điện thoại, người dùng lại để lại dấu vết trên màn hình.
Việc điện thoại bị bám dấu vân tay là điều không thể tránh khỏi. Ảnh: CNET
Cách làm sạch: Dùng khăn microfiber để lau nhẹ nhàng. Nếu muốn làm sạch sâu hơn, hãy thấm một chút nước cất lên khăn (không xịt trực tiếp lên màn hình). Phương pháp này cũng áp dụng cho mặt lưng và viền điện thoại.
Một mẹo khác là có thể dùng sticker làm sạch màn hình (loại có thể dán vào mặt sau điện thoại) để tiện lau chùi mọi lúc.
Loại bỏ cát và bụi nhỏ
Cát và xơ vải dễ mắc kẹt trong cổng sạc, loa và các khe nhỏ của điện thoại.
Cách làm sạch: Dùng băng dính scotch dán nhẹ lên các khe và loa, sau đó cuộn lại và chèn nhẹ vào cổng sạc để kéo bụi ra ngoài. Một cách nữa là dùng tăm gỗ hoặc máy hút bụi mini: Nếu hạt bụi quá nhỏ, có thể dùng tăm để gẩy nhẹ hoặc một máy hút bụi đầu nhỏ để hút sạch.
Cát dễ mắc kẹt trong cổng sạc, loa và các khe nhỏ của điện thoại. Ảnh: CNET
Làm sạch vết trang điểm trên màn hình
Trang điểm và kem dưỡng da có thể để lại dầu và vết bẩn trên màn hình điện thoại. Tuy nhiên, không nên dùng nước tẩy trang để làm sạch vì nó chứa hóa chất có thể gây hại.
Cách làm sạch: Sử dụng loại nước tẩy an toàn cho màn hình như Whoosh, không chứa cồn và dịu nhẹ trên mọi loại màn hình. Nếu không có, chỉ cần dùng khăn microfiber ẩm, lau nhẹ nhàng, sau đó giặt sạch khăn sau khi sử dụng.
Lưu ý không làm khăn quá ướt để tránh nước thấm vào điện thoại.
Điện thoại chống nước cần lưu ý gì?
Nếu điện thoại có chuẩn chống nước IP67 trở lên, người dùng có thể lau bằng khăn ẩm, nhưng không nhúng trực tiếp vào nước – ngay cả khi nhà sản xuất quảng cáo khả năng chống nước. Sau đó, dùng khăn khô để lau lại, đặc biệt là cổng sạc và loa.
Lưu ý, chuẩn chống nước chỉ bảo vệ tạm thời khi vô tình dính nước, không phải để rửa điện thoại thường xuyên.
Những thứ cần tránh khi vệ sinh điện thoại
Ngoài nước tẩy trang và cồn đậm đặc, còn nhiều thứ không nên dùng để vệ sinh điện thoại như bảng dưới đây:
Việc giữ điện thoại sạch sẽ là điều quan trọng, nhưng cần vệ sinh đúng cách để không làm hỏng máy.
(Theo CNET)
Hải Phong
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/dien-thoai-ban-hon-be-bon-cau-lam-sao-de-ve-sinh-dung-cach-2386042.html