UBND TP.HCM đã ban hành quy định về điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định 100/2024/QĐ-UBND quy định về điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn.
Theo đó, các thửa đất ở khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú diện tích tối thiểu để tách thửa là 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m.
Đối với khu vực 2 gồm các quận 7, 12, Bình Tân, thành phố Thủ Đức và thị trấn các huyện diện tích tối thiểu là 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m.
Còn khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn) có diện tích tối thiểu là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Đối với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác là 500m2. Đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung là 1.000m2.
Quyết định nêu rõ, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, rà soát công tác tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định. Định kỳ hàng năm, trước ngày 5/12 hàng năm)báo cáo kết quả cho UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
Còn Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện việc tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định.
Đồng thời, Sở phải tổng hợp vướng mắc, phối hợp với các Sở ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
Về điều kiện, nguyên tắc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 220 Luật Đất đai.
Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất để làm lối đi thì lối đi đó do các bên thỏa thuận và UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương xem xét lối đi do các bên thỏa thuận có đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, về hệ thống cấp thoát nước, điện để có ý kiến chấp thuận trước khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất.
Phần diện tích đất được xác định làm lối đi sử dụng cho nhiều thửa đất (từ 2 thửa đất trở lên) thì được chuyển sang hình thức sử dụng chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Về quy định của Luật Đất đai 2024, theo Khoản 1, Điều 220 đã quy định cụ thể 4 điều kiện để tách thửa đất, hợp thửa đất.
Thứ nhất, thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai, thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất.
Thứ ba, đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất, hợp thửa đất.
Thứ tư, việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp nước, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
Trường hợp tách thửa đất thì ngoài các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 220 còn phải bảo đảm các điều kiện khác.
Cụ thể, một là các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;
Hai là trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng. Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa.
Ba là trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.
Mễ Mễ