Nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 60km về phía Bắc, đảo Điệp Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là quần thể gồm ba hòn đảo nhỏ: Hòn Bịp, Hòn Giữa và Hòn Đuốc. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp hoang sơ, bình yên với biển xanh, cát trắng, đặc biệt là một con đường cát nổi giữa đại dương – điểm “đắt giá” khiến Điệp Sơn khác biệt với hàng trăm hòn đảo khác của Việt Nam. Ảnh Traveloka
Con đường nối liền giữa Hòn Bịp và Hòn Giữa dài gần 700m, chỉ xuất hiện khi thủy triều rút. Dưới nắng sớm, con đường cát trắng phau như dải lụa mềm uốn lượn giữa biển khơi, hai bên là làn nước trong veo nhìn rõ từng đàn cá nhỏ bơi lội. Cảm giác được đi bộ giữa đại dương, xung quanh là mênh mông sóng nước, trên đầu là trời cao lồng lộng, là trải nghiệm hiếm có khó tìm ở bất kỳ nơi đâu. Ảnh Le Hoang Anh
Không gian tại Điệp Sơn vẫn giữ nguyên nét hoang sơ. Hòn Bịp là nơi có dân cư sinh sống, có thể tìm thấy vài căn nhà nhỏ, thuyền thúng đậu ven bờ và tiếng chài lưới rộn ràng vào mỗi sáng sớm. Hòn Giữa rộng hơn, là nơi lý tưởng để du khách tắm biển, chèo kayak hoặc nghỉ chân khi đi dạo giữa các đảo. Hòn Đuốc – nhỏ nhất, vắng lặng và ít dấu chân người – lại phù hợp với những ai tìm kiếm sự riêng tư, tĩnh lặng giữa biển khơi.Ảnh Cường Quốc Phạm
Đến Điệp Sơn, ngoài việc chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ vĩ, du khách còn có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như lặn ngắm san hô, chèo thuyền, câu cá cùng ngư dân hay đơn giản là nằm võng thư giãn giữa hàng dừa xanh mát. Buổi tối trên đảo yên tĩnh, rất thích hợp để cắm trại, tổ chức tiệc nướng và ngắm sao. Ánh trăng phản chiếu trên mặt biển lấp lánh, tiếng sóng rì rào bên tai – một khung cảnh lý tưởng để tạm rời nhịp sống hối hả thường ngày. Ảnh Cường Quốc Phạm
Hành trình đến Điệp Sơn cũng khá thuận tiện. Từ trung tâm Nha Trang, du khách di chuyển về thị trấn Vạn Giã, sau đó đi tàu gỗ hoặc cano ra đảo. Giá thuê cano khoảng 150.000–200.000 đồng/người, thời gian di chuyển chỉ 10–15 phút. Tuy nhiên, để đi bộ được trên con đường giữa biển, du khách nên tìm hiểu trước thời điểm thủy triều xuống – thường rơi vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều. Ảnh Phuong Anh
Do chưa được khai thác du lịch ồ ạt, dịch vụ trên đảo vẫn còn hạn chế. Du khách nên chuẩn bị sẵn nước uống, đồ ăn nhẹ, kem chống nắng, mũ nón và lều trại nếu có ý định ở lại qua đêm. Nếu muốn trải nghiệm ẩm thực địa phương, có thể liên hệ trước với người dân để đặt các món hải sản như cá nướng giấy bạc, mực hấp, sò huyết nướng mỡ hành hay cháo hải sản nóng hổi sau một ngày rong chơi. Ảnh Phuong Anh
Không ồn ào như Nha Trang, không hào nhoáng như Phú Quốc, đảo Điệp Sơn ghi điểm nhờ vẻ đẹp mộc mạc, nguyên sơ và đặc biệt là trải nghiệm “đi bộ giữa đại dương” có một không hai. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn rời xa phố thị, tìm về với thiên nhiên, hay đơn giản chỉ là để thở thật sâu giữa biển trời bao la. Ảnh Phuong Anh
Nếu có dịp ghé qua thị trấn Vạn Giã – nơi khởi hành ra đảo Điệp Sơn, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món đặc sản biển địa phương. Một bát cháo hàu nóng thơm béo sẽ là lựa chọn tuyệt vời để khởi động ngày mới hoặc kết thúc hành trình khám phá. Cá bóp nấu mẻ gây ấn tượng bởi vị chua thanh, lạ miệng, rất phù hợp trong những ngày nắng nóng. Sò huyết Vạn Giã nổi tiếng tươi ngon, nướng mỡ hành lên thơm lừng, vừa béo vừa đậm đà. Và nếu yêu thích hải sản hấp, đừng quên gọi món mực lá hấp gừng – thịt mềm, ngọt, vừa giữ trọn vị tươi vừa “bắt vị” đến lạ.
Để chuyến đi đảo Điệp Sơn diễn ra suôn sẻ, du khách nên lưu ý một số điểm quan trọng. Thời gian lý tưởng để ghé thăm đảo là từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau, khi thời tiết nắng đẹp, biển êm và thủy triều thuận lợi cho việc đi bộ giữa biển. Con đường cát nổi chỉ xuất hiện khi nước rút, thường vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, do đó nên hỏi kỹ người dân địa phương hoặc tài công để chọn thời điểm di chuyển phù hợp. Ảnh Phuong Anh
Đặc biệt, duu khách không nên mạo hiểm đi bộ trên con đường giữa biển khi nước đã bắt đầu lên, trời nổi gió lớn hoặc có cảnh báo thời tiết xấu. Và cuối cùng, hãy luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi để góp phần bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ, nguyên bản của đảo Điệp Sơn cho các thế hệ du khách sau. Ảnh Le Hoang Anh
Vân Giang