Điều bất ngờ về công ty bảo hiểm vừa bị phát hiện 'ăn chặn' tiền bồi thường bảo hiểm xe máy

Điều bất ngờ về công ty bảo hiểm vừa bị phát hiện 'ăn chặn' tiền bồi thường bảo hiểm xe máy
5 giờ trướcBài gốc
Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra đối với Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI). Theo đó, trong năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu từ phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt hơn 625 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ xe máy là 110,5 tỉ đồng, còn từ ô tô là 514,7 tỉ đồng.
Qua thanh tra, Cục phát hiện VNI chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về thời hạn thanh toán bồi thường, việc tạm ứng bồi thường và thu thập tài liệu liên quan từ cơ quan công an.
Đáng chú ý, có một vụ tai nạn gây tử vong nhưng công ty chỉ bồi thường cho khách hàng 30 triệu đồng, trong khi mức bồi thường tính mạng theo quy định là 150 triệu đồng hoặc theo thỏa thuận giữa chủ xe và người bị thiệt hại là 110 triệu đồng. Ngoài ra, có 10 trường hợp VNI không thông báo cho người bị tai nạn về số tiền bồi thường thiệt hại sức khỏe, tính mạng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, VNI ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm đạt 717,9 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đáng chú ý là dù mang tên "Bảo hiểm Hàng không", doanh nghiệp này không phát sinh bất kỳ doanh thu nào từ lĩnh vực bảo hiểm hàng không. Thay vào đó, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỉ trọng lớn, gần 71%, tương đương hơn 509 tỉ đồng.
Chi phí bồi thường trong quý I cũng tăng mạnh, lên mức 352 tỉ đồng (tăng 58%), trong đó riêng bồi thường cho bảo hiểm xe cơ giới chiếm 58,7%, tương ứng 207 tỉ đồng.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới công bố, VNI cho biết trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì vị trí trong tốp 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Bảo hiểm xe cơ giới vẫn là mảng kinh doanh chủ lực, chiếm 62,4% tổng doanh thu.
Trong quý I/2025, VNI không ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm hàng không
Đổi tên thương hiệu sau 16 năm hoạt động
Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không dự kiến sẽ đổi tên thành Tổng công ty CP Bảo hiểm DBV (DBV Insurance Corporation – DBV) sau 16 năm hoạt động.
Theo tờ trình do Chủ tịch HĐQT Lê Tuấn Dũng ký, việc đổi tên là cần thiết do tên gọi hiện tại "Bảo hiểm Hàng không" gây ra một số hiểu lầm và không còn phù hợp với định hướng kinh doanh. Dù thương hiệu "Bảo hiểm Hàng không – VNI" đã có uy tín nhất định, nhưng chưa tạo được dấu ấn khác biệt trên thị trường.
Đại diện công ty cho rằng, để tạo đột phá, VNI cần một chiến lược tái định vị thương hiệu rõ ràng, đầu tư vào công nghệ số và truyền thông để xây dựng hình ảnh hiện đại, gần gũi hơn với khách hàng.
Cùng với việc đổi tên, logo hiện tại – thiết kế từ năm 2008 – cũng được đánh giá là lỗi thời, nhiều chi tiết nhỏ không còn phù hợp với các kênh truyền thông hiện đại như biển hiệu, ấn phẩm in ấn hay nền tảng số.
Ngoài ra, tên gọi "Bảo hiểm Hàng không" khiến không ít khách hàng hiểu nhầm rằng VNI thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và chỉ phục vụ ngành hàng không. Trong khi đó, hiện Tổng công ty Hàng không Việt Nam không còn là cổ đông của VNI, khiến tên gọi này không còn phù hợp với cơ cấu sở hữu và chiến lược phát triển hiện tại.
DB Insurance (Hàn Quốc) nắm quyền chi phối
Từ tháng 4-2024, DB Insurance (Hàn Quốc) đã trở thành cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu 75% cổ phần tại VNI. Đơn vị này đang từng bước xây dựng chiến lược kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng, ứng dụng công nghệ và phát triển danh mục sản phẩm đa dạng.
Lê Tỉnh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dieu-bat-ngo-ve-cong-ty-bao-hiem-vua-bi-phat-hien-an-chan-tien-boi-thuong-bao-hiem-xe-may-196250424071551313.htm