Diễu binh, diễu hành mừng 50 năm thống nhất đất nước

Diễu binh, diễu hành mừng 50 năm thống nhất đất nước
một giờ trướcBài gốc
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP Hồ Chí Minh long trọng tổ chức.
Từ 5 giờ sáng, các cung đường hướng về đường Lê Duẩn (quận 1, TP Hồ Chí Minh) đều được "dệt sắc đỏ, sắc vàng" bởi những dòng người thể hiện lòng yêu nước, tượng trưng cho cờ Tổ quốc, cờ Đảng, khiến không khí vô cùng sôi động và trang nghiêm.
Người dân chọn vị trí chờ xem Đội pháo bắn 21 loạt bắn theo nghi thức quân đội trên nền Quốc thiều tại Công viên Bạch Đằng (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Giang.
Lúc 5 giờ 40 phút, thời tiết TP Hồ Chí Minh ghi nhận tiết trời quang đãng, nhiệt độ khá dễ chịu, có gió nhẹ. Các khối diễu hành, diễu binh đã vào vị trí, sẵn sàng chờ hiệu lệnh để vào lễ đài. Ở các khu vực tổ chức lễ, người dân đã bắt đầu ổn định vị trí để chuẩn bị theo dõi đại lễ.
Người dân theo dõi Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành qua màn hình Led tiếp sóng trực tiếp từ kênh truyền hình HTV9 - Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh tại khu vực gần hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Thanh Giang.
Em Trần Hải Nam (học lớp 6 - Trường THCS Eakly - Đắk Lắk) cùng với ba và chú ruột từ Đắk Lắk về TP Hồ Chí Minh xem diễu binh, diễu hành sáng 30/4. Ảnh: Mạnh Cường.
Chia sẻ với chúng tôi trước giờ đại lễ 30/4, em Trần Hải Nam cho biết, đã cùng với ba và chú từ Đắk Lắk xuống nhà người chú ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ ngày 28/4. Sau đó, khoảng 3 giờ sáng hôm nay thì cả 3 cùng có mặt tại quận 1, TP Hồ Chí Minh để chứng kiến sự kiện lớn của dân tộc. Nam cho biết, cảm xúc hiện tại rất vui và hạnh phúc khi được có mặt tại nơi mà 50 năm trước Ông Cha đã tiến vào giải Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông.
Chương trình nghệ thuật mở màn Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Ảnh: H.T.N.
Từ 6 giờ 30 phút, chương trình nghệ thuật chào mừng đại lễ 30/4 bắt đầu diễn ra, với màn trống hội hoành tráng thu hút người xem.
Kế tiếp là màn múa súng, kết hợp quân nhạc dài khoảng 8 phút; màn trống hội của Công an và một số tiết mục nghệ thuật do TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm. Nhiều động tác dứt khoát, khí thế, thể hiện sự mạnh mẽ được các chiến sĩ thực hiện thuần thục.
Màn múa súng kết hợp quân nhạc tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: H.T.N.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và các Đài phát thanh truyền hình địa phương. Để phục vụ nhân dân đón xem đại lễ, TP Hồ Chí Minh đã lắp đặt 20 màn hình LED cỡ lớn trên các tuyến đường phố trung tâm, truyền tín hiệu phát trực tiếp các hoạt động của lễ kỷ niệm.
Quang cảnh trung tâm sự kiện Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: H.T.N.
Lễ kỷ niệm bắt đầu bằng nghi lễ chào cờ trong tiếng rền vang của 21 loạt đại bác do đội pháo lễ thực hiện tại bến Bạch Đằng (quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; đại diện đoàn đại biểu cấp cao các nước tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: H.T.N.
Tham dự Lễ kỷ niệm có các lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tham dự Lễ kỷ niệm còn có ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Phan Diễn, Lê Hồng Anh, Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Huỳnh Đảm, Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến (hàng đầu, ngồi giữa) tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Luân.
Về phía đại biểu quốc tế về dự Lễ kỷ niệm có Đoàn đại biểu cấp cao Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith dẫn đầu; Đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do ông Hun Sen - Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia dẫn đầu; Đoàn đại biểu cấp cao các nước Cuba, Belarus; Đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ông Bùi Kim Giai - Bộ trưởng Bộ các vấn đề quân nhân xuất ngũ làm trưởng đoàn.
Đến dự Lễ kỷ niệm còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các cựu chiến binh từng tham gia làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng hàng nghìn khách mời đại diện cho các tầng lớp nhân dân cả nước.
Nhiều nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Luân.
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có khoảng 20 đoàn khách quốc tế, bao gồm 3 đoàn cấp cao, 4 đoàn cấp Bộ trưởng trở lên, hơn 15 chính đảng ở các châu lục khác nhau; đại diện của hơn 20 địa phương kết nghĩa với TP Hồ Chí Minh và rất nhiều cá nhân nước ngoài có đóng góp cho phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm có hơn 700 phóng viên của 106 cơ quan báo chí trong nước và 169 phóng viên nước ngoài thuộc 58 cơ quan báo chí nước ngoài tham dự tác nghiệp.
Một đại diện phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trần Phi.
Đại thắng 30/4/1975: Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
7 giờ 11 phút, Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, cựu chiến binh, dân quân tự vệ, du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các gia đình có công với nước, các vị khách quốc tế, toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm cấp quốc gia. Ảnh: H.T.N
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với khát vọng cháy bỏng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với niềm tin tất thắng “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Chúng ta mãi khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các cựu chiến binh cùng toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, đã cống hiến, hy sinh, cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước".
Trong bài diễn văn, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ôn lại truyền thống các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Ảnh: T.L
Trong bài diễn văn, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã ôn lại truyền thống các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đến 2 cuộc kháng chiến, đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước.
Đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn binh sĩ với vũ khí tối tân nhất, hiện đại nhất, triển khai nhiều chiến lược chiến tranh nguy hiểm; tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo đối với miền Bắc, gây ra nhiều đau thương, mất mát cho nhân dân ở cả hai miền đất nước và hậu quả chiến tranh vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Với khát vọng cháy bỏng bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, trên khắp mọi miền Tổ quốc “từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau” cả dân tộc chung sức đồng lòng đánh đuổi quân xâm lược và nơi đâu cũng ghi dấu sự dũng cảm, hy sinh và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Nung nấu ý chí sắt đá “giải phóng miền nam chúng ta cùng quyết tiến bước”, quân dân ta đã giành thắng lợi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu non sông về một mối.
"Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam; của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông, với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, là dấu mốc khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hiện thực được mong muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác Hồ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc-Nam sum họp một nhà", Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động, nhấn mạnh.
Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975, phát huy các giá trị và những thành tựu đã đạt được qua 40 năm đổi mới, Tổng Bí thư Tô Lâm hứa quyết tâm: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
"Với bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, chúng ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu vĩ đại hơn nữa, lập nên những kỳ tích trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc", Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài diễn văn.
Sau diễn văn của lãnh đạo Đảng, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (79 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7) đã đại diện chiến sĩ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử phát biểu, nhấn mạnh: những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mãi mãi là những ngày đáng nhớ nhất, những ngày với cảm xúc hào hùng và xúc động, những ngày với những việc vĩ đại mà rất đỗi bình dị.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (79 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7) phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Luân.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ xúc động, nhớ lại: cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác, vào năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ.
"Những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn; bộ đội thiếu ăn, ốm đau bệnh tật, đặc biệt là sốt rét, suy dinh dưỡng nhưng đã chiến đấu ác liệt, cùng quân dân các địa phương kiên cường vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước", Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ xúc động.
Được dự lễ kỷ niệm long trọng này, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vô cùng xúc động, tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội sống chết cùng nhau trên các chiến trường đánh giặc, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự toàn thắng của dân tộc.
Ông cũng bày tỏ xúc động, cảm phục trước những người lính đã ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để lại phía sau những người mẹ già, vợ trẻ, con thơ. “Với riêng tôi không thể nào quên được sự cưu mang, sẻ chia của bà con miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ - nơi tôi trực tiếp chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt. Không có nhân dân, không có chúng tôi hôm nay", Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhấn mạnh.
Đại diện thế hệ trẻ phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: H.T.N.
Tại Lễ kỷ niệm, chị Huỳnh Mạnh Phương, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã đại diện thế hệ trẻ phát biểu bày tỏ vinh dự, tự hào về sứ mệnh thiêng liêng tiếp nối truyền thống của cha ông, các anh hùng, liệt sĩ.
Chị Huỳnh Mạnh Phương hứa với lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Các thế hệ thanh niên luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh thiêng liêng của mình trong việc tiếp nối ngọn lửa cách mạng mà các thế hệ cha anh đã trao truyền, khắc ghi chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
"Tự hào truyền thống vẻ vang của đất nước, thế hệ đi sau sẽ luôn vững vàng niềm tin theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, trau dồi phẩm chất đạo đức, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu của đất nước, lan tỏa giá trị Việt ra trường quốc tế, xứng đáng là công dân trẻ của thế hệ Việt Nam anh hùng", đại diện thế hệ trẻ xúc động.
Cũng tại buổi lễ kỷ niệm trọng thể, Đảng, Nhà nước đã có quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhằm ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đúng 8 giờ 05 phút, Chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức bắt đầu. Chương trình do Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, điều hành.
Chương trình diễu binh, diễu hành do Bộ Quốc phòng chủ trì, bao gồm phần trình diễn của máy bay trực thăng và tiêm kích chiến đấu; chương trình diễu binh của 4 khối Nghi trượng, 36 khối diễu binh của Quân đội và Công an, 12 khối diễu hành và khối diễu binh của quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Khối cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiến vào Lễ đài. Ảnh: H.T.N.
Đặc biệt, có 350 đại biểu là các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, nhân chứng lịch sử tiêu biểu sẽ tham gia trong lễ diễu hành trên xe ô tô buýt 2 tầng.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục cập nhật các khối diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm đến bạn đọc...
Nhóm Phóng viên
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dieu-binh-dieu-hanh-mung-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-10304876.html