Điều cấm kị với các môn thể thao đồng đội

Điều cấm kị với các môn thể thao đồng đội
5 giờ trướcBài gốc
Bóng bầu dục là môn thể thao được yêu thích tại Mỹ. Ảnh minh họa: T.T.
Nếu bạn biết đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình, bạn sẽ biết thế nào là ưu tiên lợi ích của nhóm lên hàng đầu. Tuy nhiên, khi cái tôi, tham vọng, quyền lực, tiền tài và các câu chuyện phiếm chiếm ưu thế, chúng sẽ nhanh chóng làm tan rã đội ngũ và xói mòn tinh thần đồng đội.
Chúng ta dễ dàng nhận ra tình trạng này nhất ở những đội hình trong các môn thể thao, nơi cái tôi và sự ích kỷ của một cá nhân được xem trọng hơn thành công của cả đội. Đó là khi một cầu thủ rầu rĩ vì không ghi được nhiều bàn hơn dù đội của anh đã giành chiến thắng chung cuộc.
Đó là khi một người gay gắt chỉ trích những thành viên khác hòng che giấu sai lầm và điểm yếu của mình. Đó là khi cầu thủ siêu sao thường xuyên bỏ bê tập luyện, hoặc một thành viên không công nhận thành quả của đồng đội mà lại nhận vơ nó vào mình.
Trong cuốn sách Help the Helper: Building a Culture of Extreme Teamwork (tạm dịch: Giúp người trợ giúp: Xây dựng văn hóa làm việc nhóm tối ưu), hai tác giả Kevin Pritchard và John Eliot đã trích lại lời của ngôi sao bóng bầu dục Jerry Rice trong Chương trình Audibles trên kênh ESPN [1], khi ông trả lời câu hỏi: “Ông nghĩ rằng chiến thắng mới đây của đội Denver Broncos là nhờ Tim Tebow - cầu thủ trung phong, hay nhờ hàng phòng ngự?”.
Jerry đã trả lời: “Từ lúc nào chúng ta lại có suy nghĩ là một người hay một thứ gì đó có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến thành công của cả đội? Hãy bỏ tư tưởng đó đi được rồi đó. Nó đang giết chết chúng ta. Tôi nghĩ đó chính là lý do quan trọng khiến nền kinh tế của chúng ta gặp khó khăn, và tại sao chúng ta không có tinh thần đồng đội phi đảng phái.
Đội Broncos không chiến thắng nhờ Tebow hay là hàng D (phòng ngự). Họ thắng nhờ sự hợp tác của toàn bộ 53 cầu thủ, huấn luyện viên, nhân viên hành chính, nhân viên bảo trì và người soát vé, ai nấy đều làm tốt nhiệm vụ của mình. Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn”.
Trong một nhóm, nếu có bất kỳ thành viên nào vẫn tin rằng vai trò của họ quan trọng hơn hoặc họ làm tốt hơn những người khác, thì quá ấu trĩ và tự mãn.
Tôi rất thích câu nói của nhà văn Nhật Bản Ryunosuke Satoro: “Khi đứng riêng, chúng ta chỉ là một giọt nước. Khi hợp lại, chúng ta là cả một đại dương”. Chúng ta đoàn kết sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào. Tuy nhiên, để đặt cái tôi xuống và toàn tâm toàn ý với mục tiêu chung của nhóm, bạn phải thật sự khiêm tốn.
[1] ESPN (Entertainment and Sports Programming Network): Kênh truyền hình chuyên về thể thao của Mỹ.
Michel G.Rogers/ Bách Việt Books & NXB Dân trí
Nguồn Znews : https://znews.vn/dieu-cam-ki-voi-cac-mon-the-thao-dong-doi-post1566547.html