Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Quỳnh Danh.
Một trong những điều chỉnh đáng chú ý là việc giảm chiều rộng mặt đường cất - hạ cánh số 2 (cách đường số 1 khoảng 400 m về phía Bắc) từ 60 m xuống còn 45 m.
Đồng thời, quy hoạch hệ thống đường lăn song song, đường lăn thoát nhanh, đường lăn nối và hạ tầng kỹ thuật chung cũng được rà soát để đảm bảo khai thác đồng bộ với đường băng số 1.
Ngoài ra, quy hoạch điều chỉnh bổ sung trụ sở kiểm dịch y tế quốc tế tại khu vực phía Nam đường trục chính, với diện tích khoảng 0,45 ha, đồng thời bố trí lại khu vực trạm kiểm dịch động vật và thực vật.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Long Thành được xác định khoảng 5.000 ha. Trong đó, đất do quân sự quản lý là 570 ha, đất dùng chung giữa dân dụng và quân sự là 480 ha và đất do hàng không dân dụng quản lý gần 3.950 ha.
Các nội dung khác liên quan đến quy hoạch sân bay Long Thành vẫn giữ nguyên theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng và Bộ trưởng Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng).
Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát quy hoạch các công trình để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu khai thác và đầu tư phát triển.
Đồng thời tính toán xác định các yếu tố kỹ thuật để bảo đảm tính hợp lý, thực hiện điều chỉnh và xử lý các nội dung theo thẩm quyền, báo cáo Bộ Xây dựng xem xét đối với những nội dung vượt thẩm quyền (nếu có).
Thông tin tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 của Bộ Xây dựng, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hiện tại, đơn vị đang cấp tập hoàn tất các thủ tục liên quan, quyết tâm khởi công đường cất hạ cánh số 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới đây.
Chia sẻ thêm về tiến độ dự án, đại diện ACV cho biết đến nay, hạng mục đường cất hạ cánh số 1 đã thông điện, “sáng đèn”, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.
Đối với hai tuyến giao thông kết nối, tuyến T1 đã cơ bản hoàn thành, thảm xong 2/3 lớp bê tông nhựa trong tháng 4. Tuyến T2 đang tăng tốc để về đích dịp 2/9.
Gói sân đỗ máy bay, cung cấp nhiên liệu cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, cơ bản hoàn thành cuối năm 2025.
Về hạng mục hangar (nhà bảo dưỡng máy bay), theo đại diện ACV, Vietnam Airlines đã triển khai thiết kế cơ sở, cơ quan chuyên môn đã hoàn tất công tác thẩm tra. Các thủ tục liên quan đang được hoàn thiện, phấn đấu khởi công trong tháng 6.
Trong khi đó, gói thầu 4.8 - “đường găng” của dự án với khối lượng công việc lớn, hơn 20.000 đầu việc - đang được các nhà thầu dồn lực ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ. Phần cống thoát nước, hầm kỹ thuật (dài hơn 22 km) phấn đấu tháng 6 sẽ hoàn thành.
Sân bay Long Thành là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất cả nước trong tương lai.
Nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, sân bay này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 109.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4,6 tỷ USD), với công suất thiết kế 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sau khi hoàn thành toàn bộ 3 giai đoạn, Long Thành có thể phục vụ đến 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Dự án được khởi công đầu năm 2021 và theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2026.
Sân bay Long Thành không chỉ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng không quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Diệu Thanh