Điều chỉnh doanh thu tính thuế VAT cá nhân, hộ kinh doanh: Chờ giá tăng đến bao giờ?

Điều chỉnh doanh thu tính thuế VAT cá nhân, hộ kinh doanh: Chờ giá tăng đến bao giờ?
6 giờ trướcBài gốc
Theo quy định từ năm 2014 đến nay, doanh thu tính thuế của hộ cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng, tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội vào tuần qua và dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức tính thuế lên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và người dân cho rằng ngưỡng doanh thu tính thuế theo dự thảo còn thấp, không phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Mức doanh thu không chịu thuế lên 200 triệu mỗi năm vẫn chưa phù hợp
Trao đổi với VnBusiness, chị Lê Thị Tâm (chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Cầu Cốc, Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính đề xuất nâng mức doanh thu bán hàng trên 200 triệu đồng/năm phải nộp thuế không bõ bèn gì với biến động giá cả thời gian qua. “Các loại mặt hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển, mặt bằng kinh doanh, nhân công… đã tăng mạnh trong suốt 10 năm qua”, chị nhấn mạnh.
Đồng thời, chị Tâm chia sẻ, việc kinh doanh cửa hàng khoảng 1-2 năm trở lại đây không còn được như giai đoạn trước: “Bây giờ cái gì cũng có thể đặt mua trên mạng, cái gì mình có thì trên mạng cũng có, họ còn miễn phí giao hàng tận nơi, nên các tạp hóa truyền thống như chúng tôi bây giờ rất khó khăn”.
“Hiện tại, doanh thu của cửa hàng tạp hóa của gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm. Nếu đề xuất đánh thuế VAT với hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng/năm được thông qua, cửa hàng của tôi sẽ tiếp tục phải chịu thuế. Trong khi tính ra thu nhập sau khi trừ các chi phí không tăng so với cách đây 5 năm”, chị Tâm cho hay.
Một hộ kinh doanh hàng tạp hóa tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Chưa kể, chị Tâm cho rằng người kinh doanh nhỏ không được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. "Ngưỡng giảm trừ cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng từ 4 triệu lên 9 triệu và từ năm 2020 tăng lên 11 triệu đồng, nhưng ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với người kinh doanh nhỏ thì đứng im suốt 10 năm nay và buôn bán lỗ cũng phải nộp thuế", chị Tâm bức xúc.
Chị Nguyễn Hương, (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng ngành thuế quy định doanh thu chỉ 550.000 đồng/ngày là phải nộp thuế là không hợp lý chút nào. Chị lấy ví dụ: cách đây 10 năm, một bát phở/bún có giá bán khoảng 25.000-30.000 đồng, nhưng nay giá bán tối thiểu đã nâng lên khoảng 35.000-50.000 đồng. Tương tự, một suất cơm bình dân từ 20.000 – 25.000 đồng nay đã tăng lên 35.000 – 40.000 đồng.
Do đó, theo chị Hương, nên nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên 300-350 triệu đồng/năm sẽ phù hợp hơn. Với mức tăng lên 200 triệu đồng/năm như đề xuất, dù tăng gấp đôi so với hiện hành nhưng tính ra mỗi tháng là khoảng hơn 16 triệu đồng. Trừ đi chi phí đầu vào, hàng hóa, lợi nhuận còn lại chẳng bao nhiêu, không đủ chi trả cho sinh hoạt, cuộc sống cho một gia đình 3-4 người.
Không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới điều chỉnh
Ngoài việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của các cá nhân và hộ kinh doanh, dự luật cũng nêu trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội phục vụ cho kỳ họp thứ 8 nêu rõ mức doanh thu 100 triệu đồng/năm, nếu được tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay sẽ là 285 triệu đồng. Vì thế, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới 200 hoặc 300 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức phù hợp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên cao cấp về thuế Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, cho rằng nếu áp dụng quy định khi CPI biến động 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngưỡng này như tại dự thảo thì sẽ "giẫm vào vết xe đổ" của mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN. Quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% tức là người nộp thuế phải đợi đến 6-7 năm thì ngưỡng doanh thu mới được điều chỉnh.
"Không nên quy định cứng vào trong luật một mức cụ thể và quá cao như vậy, vì nó sẽ gây bất lợi cho người nộp thuế. Không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức doanh thu không chịu thuế cho hộ kinh doanh và cá nhân, mà nên căn cứ vào CPI biến động hằng năm để nâng ngưỡng doanh thu này nhằm đảm bảo công bằng và sòng phẳng với người nộp thuế", ông Tú nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, 3 năm qua, CPI mới biến động tăng thêm 8,22%. Nếu đợi CPI biến động trên 20% mới điều chỉnh ngưỡng doanh thu chịu thuế sẽ là bất lợi cho hộ kinh doanh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngưỡng doanh thu tính thuế của hộ và cá nhân kinh doanh không nên chỉ căn cứ vào biến động của CPI mà còn theo GDP, lương cơ sở, lương tối thiểu... nữa thì mới đảm bảo chính sách thuế không lỗi thời, lạc hậu so với thực tế phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng kinh nghiệm từ thuế TNCN cho thấy không nên cột mức điều chỉnh vào biến động của CPI vì không phù hợp với thực tế và mỗi lần điều chỉnh rất khó khăn. Trong trường hợp bắt buộc, chỉ nên quy định mức biến động 10% chứ không nên để "cao chót vót" như vậy.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng nâng ngưỡng chịu thuế lên 300 triệu/năm nhằm giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 734.735 hộ, trong khi số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng.
Trong khi đó, với mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm như trong dự thảo luật, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/dieu-chinh-doanh-thu-tinh-thue-vat-ca-nhan-ho-kinh-doanh-cho-gia-tang-den-bao-gio-1103522.html