Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.
PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, việc dự kiến mở hai ngành mới này dựa trên nhu cầu tại các bệnh viện, thu nhập khá hấp dẫn. Điều này là sự khác biệt lớn bởi trước đây, nhà trường chủ yếu tập trung đào tạo bác sĩ và trình độ sau ĐH. Theo ông Tùng, hai ngành mở mới đều phù hợp với cơ sở hạ tầng và khả năng đào tạo của nhà trường.
Trước đó năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội đã mở 3 ngành mới và tổ hợp mới gồm: Tâm lý học, Hộ sinh và Kỹ thuật phục hình răng. Đồng thời cũng là năm đầu tiên nhà trường xét tuyển tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cho ngành Tâm lý học và D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) để xét tuyển ngành Tâm lý học và ngành Y tế công cộng, bên cạnh việc duy trì tổ hợp truyền thống là B00 (Toán, Hóa, Sinh). Khi đó, sự thay đổi về tổ hợp tuyển sinh đã mang lại nhiều ý kiến trái chiều cũng như sự thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên hơn.
Theo lý giải của nhà trường, Tâm lý học là ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, có nhiều phần kiến thức liên quan đến các môn xã hội. Cụ thể, các môn cơ sở mà sinh viên cần học là Nhân học và xã hội học sức khỏe, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Giáo dục và nâng cao sức khỏe, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học nhận thức, Tâm lý học giáo dục, Sức khỏe tâm thần, Tham vấn tâm lý... Ngành Y tế công cộng là ngành khoa học về phòng ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe và hiệu quả thể chất thông qua những cố gắng của cộng đồng. Nhà trường đã tuyển sinh ngành này nhiều năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn đạt 94 - 98%. Sinh viên ra trường chủ yếu làm cho các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các dự án cần sử dụng tiếng Anh nhiều. Việc mở ngành mới, mở rộng tổ hợp xét tuyển căn cứ chương trình đào tạo, yêu cầu về năng lực của các bên, trong đó có nhà tuyển dụng.
Ông Lê Đình Tùng cho biết, nhà trường cơ bản giữ vững ổn định các phương thức tuyển sinh so với năm trước, gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Trường ĐH Y Hà Nội; xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA). Tuy nhiên, nhiều khả năng nhà trường phải điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển nếu dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GDĐT chính thức được ban hành. Vì theo dự thảo, các cơ sở đào tạo sẽ phải quy đổi tương đương về một thang điểm chung giữa các tổ hợp, phương thức xét tuyển. Theo ông Tùng, không thể so sánh tổ hợp C00 với B00 bởi hai tổ hợp này không có môn nào chung.
Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2025 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều điểm mới. Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh rất quan trọng với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp chương trình mới, Bộ GDĐT đã công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH – cao đẳng (hết hạn lấy ý kiến vào ngày 22/1/2025). PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, quy chế có quy định về kỹ thuật khi xây dựng tổ hợp xét tuyển cho một ngành hoặc một nhóm ngành. Theo đó, số lượng các môn chung giữa các tổ hợp phải giống nhau 50% trở lên. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng “lạm phát” số lượng tổ hợp tuyển sinh trong một ngành; bắt buộc các trường phải đưa ra các tổ hợp có môn cốt lõi cho ngành đào tạo. Ví dụ, ngành kỹ thuật thì các môn cốt lõi là Toán, Vật lý, không thể tuyển cả tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) như tình trạng các mùa tuyển sinh trước.
Cùng với đó, Bộ GDĐT sẽ có một số điều chỉnh kỹ thuật khác trong quy chế với quy định các trường phải đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển. Nghĩa là, khi thí sinh trúng tuyển điểm phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức và các tổ hợp xét tuyển. Nếu các trường xét tuyển học bạ phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12, để học sinh không lơ là học tập ở học kỳ cuối.
Vi Cầm