Điều chỉnh một số quy định đối với các địa phương tuyến đảo đặc thù

Điều chỉnh một số quy định đối với các địa phương tuyến đảo đặc thù
7 giờ trướcBài gốc
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế trên vùng biển huyện Vân Đồn. Ảnh: Phong Nam
Cần chính sách hỗ trợ đặc thù khắc phục thiệt hại
Làm việc với hai địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh ghi nhận, mặc dù đã được dự báo và chuẩn bị nhiều phương án phòng, chống từ trước nhưng những nơi cơn bão số 3 càn quét qua đã để lại những thiệt hại hết sức nặng nề. Đặc biệt, ở huyện Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh, người dân sống nhờ biển, bám biển, làm giàu từ biển, toàn bộ diện tích nuôi trồng nhuyễn thể, ô lồng nuôi cá trên biển của người dân huyện đảo bị bão đánh tan. Nhiều gia đình cả đời mưu sinh từ biển, bỗng nhiên trắng tay chỉ sau vài tiếng bão số 3 quần thảo. Ước tính của UBND huyện, chỉ tính riêng thiệt hại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã trên 2.200 tỷ đồng.
Ngay sau bão, các địa phương đã tập trung bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, chính quyền huyện Vân Đồn và Cô Tô đã chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả; bảo vệ phần tài sản còn lại của người dân, tập trung khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân. Với số lượng lồng bè, giàn nuôi thủy sản của người dân bị thiệt hại lớn, chính quyền đã hướng dẫn các hộ dân và bố trí lực lượng hỗ trợ thu gom, trục vớt, tránh để gây ô nhiễm và không ảnh hưởng đến các tuyến, luồng đường thủy nội địa, quốc gia qua địa bàn. Đối với những phương tiện thủy bị vỡ, đắm, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vì dầu loang, đã triển khai ngay việc trục vớt, khoanh vùng, không để ảnh hưởng đến môi trường biển.
Từ thực tế công tác triển khai phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn, đại diện hai địa phương đã gửi tới Đoàn ĐBQH tỉnh nhiều kiến nghị, đề xuất. Trong đó, có việc điều chỉnh một số quy định của pháp luật trong việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; nhất là đối với các địa phương tuyến đảo đặc thù, như: Vân Đồn, Cô Tô. Về công tác khắc phục hậu quả, các địa phương kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng do bão. Cắt giảm quy trình thủ tục trong việc giao biển để tạo thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình trong quá trình triển khai các dự án nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu cơ chế bố trí kinh phí bảo vệ môi trường cho các huyện đảo để xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải trong điều kiện bình thường cũng như khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển sau bão.
Thiết lập cơ chế chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc giữa các cấp, các ngành
Trực tiếp khảo sát tại các đơn vị, địa bàn và trao đổi thắng thắn với lãnh đạo các địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đặng Xuân Phương cho biết: thực tế công tác chỉ đạo, triển khai phòng, chống bão từ tỉnh đến các địa phương đang cho thấy nhiều vấn đề về chính sách pháp luật trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường cần phải kiến nghị điều chỉnh. Đặc biệt, là việc thiết lập cơ chế chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc giữa các cấp, các ngành trong bão và sau bão. Mặt khác, cần đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; bảo đảm đủ năng lực cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.
“Về những nội dung kiến nghị của các địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh sẽ tổng hợp, tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới đây”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương cho biết; đồng thời, nhấn mạnh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề đối với các hộ gia đình, tổ chức trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Việc khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động sản xuất sau bão hết sức khó khăn. Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải có quy định, cơ chế hỗ trợ việc mua bảo hiểm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; qua đó, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi biển khi có thiên tai, bão lũ.
Về việc giao khu vực biển để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Xuân Phương nhấn mạnh, những nội dung kiến nghị phải căn cứ vào đặc thù của địa phương. Trong đó, bảo đảm mục tiêu sử dụng tài nguyên biển hiệu quả nhất; hài hòa lợi ích của quốc gia, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch nuôi biển và các quy hoạch đã được phê duyệt.
Mạnh Tuân
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/dieu-chinh-mot-so-quy-dinh-doi-voi-cac-dia-phuong-tuyen-dao-dac-thu-post390827.html