Điều chỉnh ôn tập sau thi thử tốt nghiệp THPT: Nỗ lực vì học trò

Điều chỉnh ôn tập sau thi thử tốt nghiệp THPT: Nỗ lực vì học trò
8 giờ trướcBài gốc
Việc đối chiếu kết quả thi thử với học lực của học sinh sẽ có cái nhìn toàn diện hơn để giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng. Ảnh: ITN
Sau thi thử, nhiều trường điều chỉnh cả kế hoạch và phương pháp ôn tập, đặc biệt tập trung cho học sinh kết quả kém.
Liên tục khảo sát để đánh giá, cải thiện điểm số
Ông Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Yên Bái) cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ/sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Khi quy định mới về dạy - học thêm có hiệu lực, trường tiếp tục tổ chức ôn thi miễn phí cho học sinh.
Để đánh giá kết quả học tập, kịp thời điều chỉnh cách dạy, cách học, Sở GD&ĐT Yên Bái tổ chức thi thử tốt nghiệp 2 lần theo đề chung. Kết quả sơ bộ (tính theo điểm thi), đợt 1 tỷ lệ đạt trên 80%, đợt 2 trên 90%. Sau mỗi lần thi thử, Trường THPT Lê Quý Đôn đều phân tích kết quả từng môn, lớp, học sinh; từ đó phân loại đối tượng để có giải pháp với từng em.
Đặc biệt, những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, giáo viên lập nhóm Zalo để giao bài riêng phù hợp; thường xuyên kiểm tra việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng của những em này để có điều chỉnh phù hợp.
“Quy định mới về dạy - học thêm, mỗi môn học chỉ được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần. Vì vậy, nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học chính khóa, tích cực giao bài cho học sinh tự học; hướng dẫn các em cách tự học, tránh học vẹt, thụ động.
Việc ôn tập sẽ được tăng cường sau khi kết thúc chương trình chính khóa. Học sinh tiếp tục tham gia kỳ thi thử lần 3 theo đề chung của cụm trường để cọ xát, làm quen với dạng đề. Kết quả sẽ được phân tích để điều chỉnh cần thiết trong ôn thi”, ông Bùi Văn Xuân cho hay.
Kết quả khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 toàn thành phố do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố gần đây, Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nằm trong tốp 20 trường đứng đầu. Tuy nhiên, bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, so với năm trước, kết quả này có kém hơn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu do dạng thức đề thi mới yêu cầu học sinh phải thực sự nắm chắc kiến thức mới có thể đạt điểm tốt.
Về ôn tập thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Việt Đức đã xây dựng kế hoạch căn cứ đặc thù Chương trình GDPT 2018 và dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025. Đặc biệt, từ học kỳ II năm học 2024 - 2025, nhà trường tăng cường kiểm tra, dạy đến đâu khảo sát đến đó.
Từ nay đến khi kết thúc chương trình, dự kiến còn 5 đợt khảo sát nữa. Sau từng đợt, học sinh khuyết thiếu ở đâu, thầy cô sẽ kịp thời bù đắp đến đó. Việc vừa học kiến thức mới, vừa ôn tập kiến thức cũ, vừa làm bài luyện tập cho thấy hiệu quả tốt. Riêng hai môn Toán, Ngữ văn, nhà trường sẽ bố trí thêm mỗi môn 1 tiết để thầy cô chữa bài cho học sinh.
“Sau khi có kết quả khảo sát, nhà trường điều chỉnh việc ôn tập, chủ yếu với học sinh kết quả chưa cao và lưu ý thêm kỹ thuật làm bài. Cụ thể, mở lớp ôn tập tăng cường cho học sinh có điểm khảo sát dưới 5. Tất nhiên, lớp này nhà trường cũng chịu hoàn toàn chi phí.
Đây là lớp học “mở” nên học sinh sẽ không phải tiếp tục ôn tập nếu sau mỗi đợt kiểm tra đạt kết quả tốt; ngược lại, các em làm bài kết quả dưới 5 sẽ “đầu quân” cho lớp này”, bà Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.
Thầy, trò Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) trong giờ ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: NTCC
Quyết tâm 100% đỗ tốt nghiệp
Qua kết quả 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT do nhà trường tổ chức, Trường THPT huyện Điện Biên (Điện Biên) nhận định khoảng 15% học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Cải thiện kết quả này, theo ông Trần Huy Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường, đầu tiên và quan trọng nhất là làm rõ nguyên nhân.
Cách làm là phân tích kết quả thi thử qua thống kê tỷ lệ học sinh đạt/chưa đạt ở từng môn thi; xác định các lỗi sai phổ biến, dạng bài tập/kiến thức học sinh còn yếu ở từng môn; so sánh kết quả giữa hai lần thi thử để thấy được sự tiến bộ (nếu có) và những môn/nội dung còn nhiều học sinh yếu. Nhà trường đồng thời phân tích kết quả theo từng lớp, nhóm đối tượng học sinh (ví dụ: Học lực đầu vào, khu vực sinh sống, điều kiện gia đình...).
Ngoài ra, nhà trường trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của học sinh trên lớp, mức độ nắm vững kiến thức, kỹ năng làm bài; tìm hiểu về phương pháp giảng dạy hiện tại, khó khăn gặp phải trong quá trình ôn tập của thầy cô; thu thập ý kiến đề xuất của giáo viên về các giải pháp nâng cao chất lượng ôn tập thời gian tới.
Tổ chức gặp gỡ, khảo sát ý kiến học sinh về khó khăn trong học tập, áp lực thi cử, phương pháp tự học ở nhà; tìm hiểu về sự chuẩn bị của học sinh cho kỳ thi, những môn học các em cảm thấy lo lắng nhất. Việc đối chiếu kết quả thi thử với học lực của học sinh trong quá trình học tập cũng được thực hiện để có cái nhìn toàn diện hơn.
Sau khi phân tích toàn diện nguyên nhân, Trường THPT huyện Điện Biên đã điều chỉnh kế hoạch, phương pháp ôn tập; đưa ra các giải pháp hỗ trợ học sinh; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo; vạch ra lộ trình thực hiện cụ thể.
Riêng giải pháp hỗ trợ học sinh, ông Trần Huy Hoàng cho biết, nhà trường tổ chức các buổi phụ đạo, bổ trợ kiến thức miễn phí; dành nhiều thời gian cho học sinh học lực yếu; thành lập các câu lạc bộ học tập, nhóm học tập, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh trao đổi kiến thức, học hỏi lẫn nhau.
Có thể sắp xếp nhóm có học sinh khá giỏi kèm, hỗ trợ học sinh trung bình, yếu. Trường cũng quan tâm tư vấn tâm lý cho học sinh, liên lạc chặt chẽ với phụ huynh và khen thưởng, động viên kịp thời. Đồng thời, tạo môi trường học tập tích cực, xây dựng không khí học tập thân thiện, cởi mở, khuyến khích các em nỗ lực, ý chí vươn lên.
Nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, ông Nghiêm Hồng Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Quốc Oai (Quốc Oai, Hà Nội) cho hay: Trước khi có kết quả khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 toàn thành phố, nhà trường tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh khối 12. “Dù điều kiện tài chính khó khăn, tuy nhiên theo tôi, điều quan trọng nhất với trường học phải là chất lượng dạy và học.
Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, 2 nhiệm vụ chính được ban giám hiệu đặt quyết tâm cao, đó là: Không có học sinh trượt tốt nghiệp và điểm trung bình môn thi năm nay cao hơn năm trước. Từ đó, nỗ lực, trách nhiệm tổ chức ôn tập giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng”, ông Nghiêm Hồng Trung nhấn mạnh.
Trong tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT khuyến khích giáo viên khai thác, sử dụng các phần mềm, website ôn luyện để cung cấp tài liệu ôn tập, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, quản lý việc ôn tập của học sinh. Tăng cường cá thể hóa trong hoạt động dạy học, ôn tập cho học sinh, hướng dẫn học sinh phương pháp học, tự học, tra cứu kiến thức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập của học sinh…
Hiếu Nguyễn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dieu-chinh-on-tap-sau-thi-thu-tot-nghiep-thpt-no-luc-vi-hoc-tro-post727302.html