Điều chỉnh phù hợp để duy trì mức sinh thay thế

Điều chỉnh phù hợp để duy trì mức sinh thay thế
3 giờ trướcBài gốc
Các chuyên gia cảnh báo, nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh, suy giảm quy mô dân số... tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguy cơ thiếu hụt lao động khi mức sinh giảm mạnh
Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế Lê Thanh Dũng cho biết, mức sinh ở Việt Nam đang có xu hướng giảm xuống dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ năm 2021 xuống 2,01 con/phụ nữ năm 2022, năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển dân số bền vững.
Tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái). Tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng; tình trạng tảo hôn, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn...
Trong khi đó, tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, TP. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao, hiện có 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp, chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí một số tỉnh mức sinh đã rất thấp.
Cùng với đó, mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7 - 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (năm 1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (năm 2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (năm 2023).
Khám cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Lý giải về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng cho rằng, mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con. Bên cạnh đó, hạ tầng, dịch vụ cơ sở có nhiều bất cập đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, học vấn, điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý thích hưởng thụ mà không muốn sinh con.
Để cải thiện, tăng mức sinh, một số địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ đã được triển khai như hỗ trợ tài chính trung bình 1 triệu đồng cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Đơn cử như Hậu Giang hỗ trợ thêm chi phí khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các cơ sở y tế công lập, cùng khoản viện phí một lần 1,5 triệu đồng. Dù vậy, kết quả vẫn chưa khả quan. Tỷ suất sinh tại Hậu Giang trong giai đoạn 2021 - 2023 vẫn duy trì ở mức 1,83 con.
Tại TP Hồ Chí Minh đã đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi cũng được đưa ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hỗ trợ tài chính đơn thuần không tạo ra sự thay đổi đáng kể trong quyết định sinh con của các cặp vợ chồng. Từ đó, đặt ra thách thức lớn cho các địa phương trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn, vừa nâng cao mức sinh, vừa bảo đảm sự phát triển dân số bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cảnh báo, nếu Việt Nam không có đột phá về chính sách kinh tế - xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn kịp để cải thiện mức sinh lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất không quy định cụ thể về số con của mỗi cặp vợ chồng. Trước khi đề xuất nội dung này, Bộ Y tế đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học…
Từ đó, bộ sẽ có những điều chỉnh phù hợp để duy trì mức sinh thay thế trên cả nước và bảo đảm cơ cấu dân số vàng. Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, hoặc hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 26 năm.
Dẫn chứng cụ thể về tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn của người: tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (năm 2019); đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi. Với nam giới, tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,3 và nữ giới là 25,1. Cùng đó, phụ nữ thành thị sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn.
Phó cục trưởng Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2023, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, TP có mức sinh thấp và duy trì kết quả sinh ở những tỉnh, TP đã đạt mức sinh thay thế (2 - 2,1 con/gia đình). Chương trình này đã được triển khai thực hiện nhằm bảo đảm mức sinh thay thế phù hợp với từng vùng miền.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện chương trình, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đang đề xuất điều chỉnh để bảo đảm mức sinh thay thế. Hiện có địa phương có mức sinh thay thế thấp nhưng cũng có địa phương có mức sinh cao, vượt mức sinh thay thế. Vì vậy, việc chỉnh sửa các giải pháp phù hợp với thực tế là cần thiết để không xảy ra tình trạng giảm mức sinh mà không thể tăng lại được như một số quốc gia phát triển hiện nay.
Cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững
Phân tích những giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững các vấn đề xung quanh công tác dân số, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cùng với truyền thống gia đình Việt Nam, đa số thanh niên hiện nay vẫn mong muốn kết hôn khi trưởng thành và muốn có 2 con. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì sau 20 - 30 năm nữa các thế hệ tiếp theo sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.
Để phát triển dân số bền vững, mỗi gia đình sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con); cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm mức sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.
Từ những kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các chính sách, giải pháp để bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.
Chúng ta phải hành động quyết liệt và ngay lập tức để bảo đảm rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai và sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và chấm dứt bất bình đẳng
Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam
Hà Linh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/dieu-chinh-phu-hop-de-duy-tri-muc-sinh-thay-the.html