Điều chỉnh quy định kỷ luật học sinh:Tăng tính nhân văn, giảm áp lực

Điều chỉnh quy định kỷ luật học sinh:Tăng tính nhân văn, giảm áp lực
7 giờ trướcBài gốc
Đây là điểm mới tại dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh do Bộ vừa công bố để lấy ý kiến. Dự thảo thu hút sự quan tâm của dư luận khi mang xu thế giáo dục hiện đại là tăng tính nhân văn, giảm áp lực cho học sinh...
Bỏ hình thức đuổi học
Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng tính nhân văn và giảm áp lực cho học sinh. Ảnh: Nguyễn Quang
Ngày 6-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh, thời gian nhận ý kiến góp ý đến hết ngày 5-7-2025. Với 24 điều, trong đó, nội dung dự kiến về các hình thức kỷ luật học sinh có nhiều thay đổi so với quy định đang áp dụng tại Thông tư số 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.
Cụ thể, đối với học sinh tiểu học, dự thảo đưa ra hai hình thức kỷ luật là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Học sinh từ trung học cơ sở trở lên nếu mắc lỗi, tùy vi phạm có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật gồm: Nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Trong khi đó, quy định tại Thông tư số 08/TT có tới 5 hình thức kỷ luật học sinh, trong đó nặng nhất là đuổi học một năm; các hình thức nhẹ hơn là đuổi học một tuần, cảnh cáo trước toàn trường, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, khiển trách trước lớp.
Bên cạnh quy định các hình thức kỷ luật, dự thảo cũng hướng dẫn một số hoạt động hỗ trợ như khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được vi phạm và hướng khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình khắc phục hành vi vi phạm; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp để khắc phục vi phạm; phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh.
Ủng hộ việc bỏ hình thức kỷ luật đuổi học một tuần hoặc một năm, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam lý giải, việc đẩy học sinh ra ngoài trường không phải biện pháp giáo dục, thậm chí có thể khiến học sinh trượt dài hơn vào những sai phạm. “Kỷ luật phải được xem là một phương pháp giáo dục chứ không phải hình thức để đầy ải học trò. Việc học sinh vi phạm một chuyện gì đó là bình thường, chỉ cần nhắc nhở hoặc có các hình thức cho học sinh tự soi chiếu, suy ngẫm, góp ý lẫn nhau. Chỉ khi việc vi phạm đó lặp lại và gây hậu quả nghiêm trọng hơn thì mới cần đưa ra các mức kỷ luật”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, việc điều chỉnh hình thức kỷ luật học sinh như dự thảo là phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, mang tính nhân văn, nhấn mạnh vai trò giáo dục hơn là trừng phạt trong xử lý các hành vi vi phạm, vì vậy giảm áp lực cho học sinh.
Bà Nguyễn Trần Thùy An, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, học tập là quyền lợi chính đáng của mỗi học sinh, không nên vì bất cứ vi phạm nào mà tước đi quyền đó. Còn em Nguyễn Khánh Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) bày tỏ mong muốn được thầy, cô giáo lắng nghe nhiều hơn và có các biện pháp đồng hành, hỗ trợ hơn là áp dụng hình thức kỷ luật, vì có thể khiến học sinh xấu hổ, tự ti.
Cần thêm hình thức kỷ luật với các vi phạm nặng
Đồng tình với chủ trương nhân văn, không “đẩy” học sinh ra khỏi trường học khi các em vi phạm kỷ luật, song nhiều nhà quản lý giáo dục vẫn trăn trở, nghi ngại về hình thức tự viết bản kiểm điểm liệu có đủ tính răn đe, ngăn ngừa học sinh tái phạm. Một số ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc bổ sung một số hình thức áp dụng với những hành vi vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng như khiển trách, hạ hạnh kiểm, thậm chí có thể đình chỉ học vài ngày…
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng nêu ý kiến: “Việc áp dụng hình thức viết bản tự kiểm điểm với học sinh mắc lỗi như hay đánh nhau, sử dụng chất cấm, thậm chí xúc phạm thầy, cô giáo… có thể không hiệu quả. Vì vậy, việc để các em nghỉ 1-2 buổi học ở nhà để các em suy nghĩ về việc đã làm, thấy giá trị của việc đi học là cần thiết. Phụ huynh học sinh cũng nhận thấy được trách nhiệm của gia đình trong giáo dục con”.
Khi được hỏi về nội dung này, không ít học sinh phổ thông ở Hà Nội thẳng thắn cho rằng, học trò mắc lỗi không phải là điều gì quá ghê gớm. Tuy nhiên, với các bạn hay nghịch, thậm chí gây gổ, đánh nhau, làm ảnh hưởng đến môi trường học tập, nếu chỉ xử lý kỷ luật ở mức viết bản tự kiểm điểm thì có thể chưa thỏa đáng.
Đồng tình với quan điểm kỷ luật tích cực, song Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cần có quy định đình chỉ học tập tối đa 2 ngày với những học sinh mắc lỗi nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong 2 ngày này, học sinh vẫn phải đến trường để cùng thầy, cô giáo hiểu rõ về sai phạm của mình, xác định cách khắc phục và nhận một hình thức “phạt” để thể hiện trách nhiệm đối với lỗi sai của mình, ví dụ như lao động công ích tại trường. “Việc tách học sinh ra khỏi hoạt động học tập 2 ngày khác với việc đuổi học và đẩy học sinh ra ngoài nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cần tăng cường các biện pháp giáo dục tích cực, thay vì với bất cứ lỗi nào cũng nhắc nhở, phê bình”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
Thống Nhất
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/dieu-chinh-quy-dinh-ky-luat-hoc-sinh-tang-tinh-nhan-van-giam-ap-luc-702283.html