Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Rộng cửa cho năng lượng tái tạo

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Rộng cửa cho năng lượng tái tạo
2 ngày trướcBài gốc
Sau gần một năm công bố, Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu đảm bảo khả thi cao nhất; an ninh năng lượng; cân đối vùng miền và loại hình năng lượng; phục vụ tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và trên hai con số giai đoạn 2026-2030.
Bản quy hoạch điều chỉnh đặt trọng tâm vào phát triển tối đa các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và sinh khối. Đáng chú ý, điện gió ngoài khơi lần đầu tiên được xác định là nguồn có tiềm năng phát triển sớm ngay trong giai đoạn tới 2030.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cho thấy tiềm năng hứa hẹn của điện gió ngoài khơi ngay trong giai đoạn tới 2030. Ảnh: Hoàng Anh
Trong ngắn hạn đến năm 2030, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt mục tiêu phát triển tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ từ 26 – 38GW, ưu tiên bố trí các nguồn điện gió quy hoạch mới tại các địa phương có tiềm năng gió tốt và điều kiện kinh tế khó khăn.
Cùng thời gian, chỉ tiêu dành cho điện mặt trời đạt khoảng 46 – 73GW. Dư địa này thậm chí tới ngưỡng 295GW – tức tăng gấp bốn lần vào giai đoạn đến năm 2050. Theo tính toán, tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời toàn quốc khoảng 963GW.
Trong năm năm tới, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng cho thấy cơ hội phát triển mạnh mẽ của nhiệt điện khí trong nước và LNG.
Với mục tiêu ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện, có thể nhập khẩu bổ sung khí thiên nhiên hoặc hóa lỏng, năm 2030 hứa hẹn tổng công suất các nhà máy sử dụng khí nội đạt khoảng từ 10 - 15GW, định hướng năm 2050 đón nhận thêm khoảng gần 8GW tiếp tục sử dụng trong nước hoặc chuyển sang LNG, khoảng 7GW dự kiến chuyển sang dùng 100% hydrogen.
Bên cạnh đó, Tổng sơ đồ VIII điều chỉnh xác định phát triển phù hợp các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG hoạch định khoảng 22,5GW; giai đoạn 2031 -2035 sẽ vận hành dự án điện khí LNG Long Sơn, Long An II đã được phê duyệt hoặc có thể đẩy sớm tiến độ nếu thuận lợi.
Cơ cấu nguồn điện phục vụ trong nước giai đoạn đến 2030 cho thấy rõ nét dư địa lạc quan cho điện tái tạo.
Đến năm 2030, trong tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước, điện gió chiếm từ 14-16%. Riêng điện gió ngoài khơi hứa hẹn được đẩy sớm tiến độ, dự kiến 6 – 17GW vào vận hành giai đoạn 2030 -2035.
Trong khi điện mặt trời nắm giữ 25-31% tổng cơ cấu nguồn, tỷ trọng tương ứng của thủy điện cũng đáng kể với 14-18%. Đáng chú ý, nhiệt điện than tới năm 2030 vẫn được cấp dư địa hơn 3GW, tương ứng 13 – 17% tổng nguồn. Với nhiệt điện khí trong nước và nhiệt điện LNG, tổng tỷ trọng của cả hai tới 2030 đạt tới hơn 18%.
Điện gió ngoài khơi và điện hạt nhân cũng được xác định rõ công suất với tương ứng 4-6,4GW cho điện hạt nhân, 6 – 17GW điện gió ngoài khơi.
Trong tương lai xa, giai đoạn đến năm 2050 hứa hẹn thêm 8GW dành cho điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu.
Điện than cũng như các dự án thuộc danh mục vướng mắc kéo dài chờ tháo gỡ, cũng được đề cập trong Quy hoạch VIII điều chỉnh. Quy hoạch xác định đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 3GW.
Đối với ba dự án nhiệt điện Nam Định I, Sông Hậu II và Vĩnh Tân 3 đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn, thay đổi cơ cấu chủ đầu tư, Bộ Công thương sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán với các nhà đầu tư đề xuất phương án xử lý theo quy định.
Đặc biệt, định hướng đến năm 2050 sẽ không còn sử dụng điện than để phát điện và chuyển hoàn toàn sang sử dụng sinh khối/amoniac với tổng công suất khoảng 25.800MW.
Thái Bình
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-rong-cua-cho-nang-luong-tai-tao-d39764.html