Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã phát huy nhiều tích cực. Ảnh minh họa
Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, qua 3 năm thực hiện, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã phát huy nhiều tích cực. Tuy nhiên đến nay, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất đã không còn phù hợp. Tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt. Do đó, chưa xác định đầy đủ, chính xác nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, cần phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống các quy hoạch.
Hơn nữa, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, nhất là sau đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng… với quy mô sử dụng đất lớn, làm tăng nhu cầu sử dụng một số loại đất tại các địa phương có dự án so với chỉ tiêu đã được phân bổ.
Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã thống nhất chủ trương thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2030 với nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha. Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng quan trọng quốc gia đã và đang được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nên cần phải xác định và bố trí bổ sung quỹ đất thực hiện các dự án, đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia. Chưa kể, theo khoản 1 Điều 52 Luật Quy hoạch, đến năm 2025 phải tiến hành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh…
“Từ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là rất cần thiết để Chính phủ có đủ thời gian tổ chức lập, thẩm định, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm 2025” - ông Duy nhấn mạnh.
Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu: Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất là nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15, nhất là trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bên cạnh đó, những chỉ tiêu được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 đạt kết quả thấp. Còn nhiều chỉ tiêu chưa được thực hiện như đất xây dựng kho dự trữ quốc gia, đất khu kinh tế. Việc phân bổ chỉ tiêu và khả năng thực hiện của các địa phương chưa hợp lý. Đơn cử, chỉ tiêu đất khu công nghiệp phân bổ cho Điện Biên là 55ha, Lai Châu là 200ha nhưng đến nay các tỉnh này vẫn chưa thực hiện…
“Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất; tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn…” - ông Thanh đề nghị.
Cần tính đến đặc thù các địa phương
Thảo luận tại các tổ về vấn đề này, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đề nghị có sự cân đối để các địa phương có điều kiện phát triển được giao thêm đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, qua đó nâng nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ điều tiết, hỗ trợ địa phương còn khó khăn. Đồng thời, bảo đảm quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trước mắt và lâu dài.
“Khi điều chỉnh quy hoạch cần lưu ý việc triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đất giao thông sẽ tăng lên rất nhiều, đất trồng lúa sẽ giảm. Cho nên, những địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua như Hà Nam sẽ có hành lang rất rộng phục vụ cho đường sắt, dẫn đến đất lúa giảm, các dự án khác sẽ phải dừng lại. Vì thế, việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương là hết sức quan trọng” - ông Huy lưu ý.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân phản ánh khó khăn của tỉnh trong bố trí tái định cư cho đồng bào bị ảnh hưởng sạt lở đất sau cơn bão số 3. Cụ thể, việc xây dựng Khu tái định cư tập trung cần phải đảm bảo các quy định của Luật Đất đai hiện hành (phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thì phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất…) là không đảm bảo tính cấp thiết để giúp người dân tái định cư, ổn định cuộc sống ngay sau bão lũ.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ: Xem xét, có giải pháp căn cơ, cơ chế đặc thù về thủ tục đất đai giúp địa phương kịp thời giải quyết khó khăn khi chỉ đạo bố trí tái định cư cho người dân khu vực có nguy cơ sạt lở cao; có cơ chế cho phép địa phương bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân được làm nhà ở tái định cư trên đất lúa, đất rừng sản xuất, sau đó mới hoàn thiện thủ tục đất đai theo quy định để giải quyết tình trạng người dân phải ở trong các lều, lán dựng tạm thời gian dài./.
HỒNG NHUNG