Sắp chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 sáng nay (14/12), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là một năm kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động phức tạp và khó lường. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động này.
Kinh tế trong nước có sự cải thiện với tăng trưởng phục hồi, tuy nhiên những yếu kém nội tại vẫn cần thêm thời gian để khắc phục. Điều này đặt ra thách thức lớn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc cân đối các mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; vừa giảm lãi suất nhưng ổn định tỷ giá.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị sáng 14/12 (ảnh: SBV).
Kết thúc năm nay, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Lạm phát bình quân 11 tháng được kiểm soát ở mức 3,69%; mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm 2023; tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã đạt bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém. Trong năm nay, hai trong số bốn ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm nay. “Việc này đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan”, Thống đốc nói.
Trong điều hành tín dụng, ngay từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng. Trong năm nay nhà điều hành đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Với thị trường vàng, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Năm 2025 điều hành chính sách tiền tệ thế nào?
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi và chỉ đạo các tổ chức tín dụng: tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Cùng đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Ngọc Mai