Ngày 15/12, các máy bay vận tải quân sự C-130J Super Hercules và A-10 Thunderbolt II của quân đội Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm để chuẩn bị tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ giới thiệu các máy bay quân sự hiện đại đến triển lãm quốc phòng ở Việt Nam. Trong đó, A-10 Thunderbolt II - biệt danh "lợn lòi" được xem là cường kích mạnh nhất thế giới.
Máy bay A-10 Thunderbolt II hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm vào chiều 15/12. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)
Cường kích A-10 được coi là “sát thủ diệt cơ giới” của quân đội Mỹ khi hội tụ các yếu tố mạnh mẽ về hỏa lực đa dạng, với pháo tự động 30mm ấn tượng nhô ra từ mũi máy bay có thể bắn 3.900 viên đạn mỗi phút, tầm bắn hiệu quả hơn 1.200m.
Ngoài pháo 30mm, A-10 còn có thể mang theo nhiều loại bom và tên lửa tấn công khác hỗ trợ cho nhiệm vụ tấn công mặt đất như bom Mk 82, Mk 84, Mk 20 Rockeye II, tên lửa AGM Maverick.
A-10 có khả năng mang theo tên lửa không đối không để tự vệ trước phản lực hoặc trực thăng đối phương. Khả năng mang vũ khí của A-10 tối đa có thể lên tới 7,2 tấn các loại nhờ vào 11 giá treo dưới bụng và cánh.
Cường kích A-10 được coi là “sát thủ diệt cơ giới” của quân đội Mỹ khi hội tụ các yếu tố mạnh mẽ về hỏa lực đa dạng. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)
Cùng với đó, A-10 cũng nổi tiếng với khả năng hoạt động tốt kể cả trong môi trường hỏa lực phòng không mạnh nhờ buồng lái và các bộ phận quan trọng được bọc giáp.
Chính vì khả năng này, A-10 được đặt biệt danh là “lợn lòi” (Warthog) vì sự lỳ lợm và khả năng chiến đấu của máy bay.
Về thiết kế, A-10 có chiều dài 16,26m; chiều cao 4,47m, sải cánh 17,53m. Với thiết kế cánh thẳng và lớn giúp "thần sấm" linh hoạt khi bay ở độ cao 300-2.500m.
Để có thể vận hành cỗ máy chiến tranh này, quân đội Mỹ phải tiêu tốn hơn 20.000 USD cho mỗi giờ hoạt động.
C-130J Super Hercules hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm chiều 15/12. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)
Còn C-130J Super Hercules hiện là máy bay vận tải hạng trung hiện đại hàng đầu thế giới. Tuy có vẻ ngoài khá giống các phiên bản C-130 trước đây nhưng C-130J được thay đổi khá nhiều về phần động lực và điện tử. Với bốn động cơ turbine cánh quạt Allison AE2100D3 công suất 4.591 mã lực và cánh quạt sáu cánh composite R391 kiểu mới của Dowty Aerospace, C-130J có thể đạt tốc độ 671 km/h, tải trọng tối đa 19 tấn.
Lượng nhiên liệu tối đa máy bay mang theo là 20,8 tấn, ngoài ra có thể mang thêm thùng dầu phụ với 8,5 tấn nhiên liệu bổ sung. Điều đó cho phép C-130J đạt tầm bay gần 3.000km khi mang tải 16 tấn.
Khả năng chở quân của C-130J là 92 lính có vũ trang, hoặc 64 lính dù. Khi tải thương, máy bay mang được 74 cáng thương binh. Khi chở hàng, C-130J mang được 6 khối hàng vận tải quân sự cỡ lớn tiêu chuẩn.
Phần thân của C-130 có khả năng tùy biến khá linh hoạt giúp đáp ứng được nhiều nhiệm vụ khác khác nhau. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)
Về thiết kế cơ bản, C-130J có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 79 tấn; chiều dài 29,79m; sải cánh 40,41m; chiều cao 11,84m.
Điểm đặc biệt là máy bay vẫn giữ nguyên khả năng cất và hạ cánh trên đường băng ngắn dưới 1.000m hoặc trên các đường băng dã chiến.
Phần thân của C-130 có khả năng tùy biến khá linh hoạt giúp đáp ứng được nhiều nhiệm vụ khác khác nhau từ máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất với biến thể AC-130, tìm kiếm cứu hộ, tiếp nhiên liệu trên không, trinh sát hay cứu hỏa.
"Ngựa thồ" C-130J của quân đội Mỹ cũng nhiều lần xuất hiện ở sân bay Nội Bài để chuyên chở hàng hóa mỗi dịp đoàn Tổng thống Mỹ chuẩn bị sang thăm chính thức Việt Nam.
Minh An