Bác sĩ gắp ra nhiều giun trong ruột bệnh nhi.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhi hơn 2 tuổi trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp tuần hoàn.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ bất ngờ phát hiện toàn bộ chiều dài ruột non của người bệnh chứa đầy giun đũa với số lượng hơn 100 con. Ê-kíp phải mổ xẻ ruột non ở nhiều nơi mới có thể lấy hết giun trong lòng ruột ra ngoài. Ngoài ra, các bác sĩ cũng buộc phải cắt bỏ một đoạn ruột non khoảng 70 cm bị xoắn hoại tử của bệnh nhi.
Tình huống lạ
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, nhận định đây là tình huống “lạ”, nhất là trong điều kiện việc tẩy giun được thực hiện một cách dễ dàng như hiện nay.
Theo bác sĩ Khanh, các trường hợp nhiễm giun sán nặng như trên chỉ xảy ra vào những năm 1980-1990, khi nền y tế còn gặp nhiều hạn chế.
Hiện nay, khoảng 40-50% trẻ em Việt Nam vẫn phải đối mặt với các bệnh về giun sán. Điều này xuất phát từ việc các bé có thói quen bò trên mặt đất và không kiểm soát được việc ăn uống, thường bỏ mọi thứ vào miệng.
Trẻ bị nhiễm giun thường có một số biểu hiện điển hình như suy dinh dưỡng, thiếu máu mạn tính, còi cọc… Thế nhưng, các vấn đề này vẫn có thể phòng ngừa được chỉ bằng một liều thuốc tẩy giun theo đúng định kỳ.
Dù hiện tại ý thức của phụ huynh về vấn đề tẩy giun cho trẻ đã được tăng cao, tại một vài địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa vẫn chủ quan bỏ qua việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ.
Đây là những nơi thông tin y tế vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận người dân, người dân thường có bối cảnh gia đình nghèo khó và chưa đủ kiến thức phòng bệnh.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh bên cạnh vấn đề về ý thức, điều đáng lo ngại khác chính là ba mẹ vì mải mê công việc mà quên đi việc tẩy giun cho con. Sai lầm này có thể đẩy con đến tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu hay thậm chí là những hậu quả nghiêm trọng như tình huống bệnh nhi kể trên.
“Thuốc tẩy giun hiện nay rất lành tính, rẻ và dễ sử dụng, ba mẹ nên thực hiện tẩy giun định kỳ 3-6 tháng chứ không chờ đến khi cảm nhận con có dấu hiệu khác lạ mới vội vã can thiệp”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Việc sử dụng thuốc tẩy giun (xổ giun, xổ lãi) là biện pháp được khuyến cáo trong phòng ngừa, điều trị các bệnh do giun sán gây ra. Ảnh: Shutterstock.
Lịch sổ giun cho trẻ và cách phòng ngừa
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, cùng với một số thói quen ăn uống chưa phù hợp vệ sinh nên tạo điều kiện thuận lợi cho giun sán phát triển.
Theo Bộ Y tế, một số loại giun đường ruột phổ biến tại Việt Nam hiện nay là giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura) và giun móc (Ancylostoma duodenale/Necator americanus).
Học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non là những nhóm rất dễ mắc các bệnh về giun sán. Một số địa phương cũng đã ghi nhận tình trạng nhiễm giun ở trẻ 12-24 tháng tuổi. Hầu hết trường hợp nhiễm giun là do ăn phải trứng giun có trong thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc ấu trùng giun xâm nhập qua da.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nên được tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần và tùy theo tình hình nhiễm giun của địa phương mà tần suất tẩy giun có thể khác nhau. Đặc biệt, cần tẩy giun khi đã có bằng chứng rõ ràng của việc nhiễm giun như đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, buồn nôn...
Trẻ dưới 2 tuổi vẫn có thể tẩy giun nhưng cần có chỉ định của bác sĩ để có liều lượng phù hợp.
Hiện nay, có 2 loại thuốc tẩy giun thường được dùng là Fugacar (Mebendazole) và Zentel (Albendazole). Liều lượng thuốc sử dụng phụ thuộc vào tuổi của trẻ:
Trẻ từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất.
Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất.
Trẻ có thể uống thuốc tẩy giun vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, không cần nhịn ăn. Cách uống thuốc tẩy giun chuẩn là nhai thuốc và uống lại với nước lọc. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể nghiền nhỏ thuốc và pha với nước.
Bên cạnh việc uống thuốc tẩy giun, ba mẹ cũng cần lưu ý những nguyên tắc sau để hạn chế nguy cơ nhiễm giun sán:
Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay chơi đùa, tiếp xúc với đất
Luôn cắt móng tay sạch sẽ cho trẻ, bỏ thói quen mút tay
Luôn cho trẻ đi giày dép, không đi chân đất
Thực hiện ăn chín uống sôi…
Vệ sinh nhà cửa cũng như các dụng cụ đồ chơi sạch sẽ sau mỗi khi trẻ chơi
Kỳ Duyên