Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), nơi mỗi bệnh nhân đối mặt với ung thư, các bác sĩ và điều dưỡng không chỉ chiến đấu cho sự sống mà còn mang đến niềm an ủi cuối đời đầy nhân văn. Trong không gian chỉ có tiếng máy thở và những ánh mắt cầu cứu, họ là những người thầm lặng.
Lời trăng trối dang dở
Một người đàn ông ngoài 60 tuổi, mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, nhập phòng cấp cứu trong tình trạng khó thở nghiêm trọng. Ê-kíp trực nhanh chóng quyết định đặt máy thở. Trước khi thực hiện, nam bệnh nhân yếu ớt bày tỏ mong muốn nói lời cuối với vợ con. Nhưng vì lý do riêng, gia đình không kịp có mặt, chỉ có người giúp việc túc trực bên ông.
Các y bác sĩ cố gắng chờ đợi nhưng tình trạng của bệnh nhân không cho phép. Ánh mắt ông vẫn đảo quanh, tìm kiếm một gương mặt thân quen, trước khi chìm vào giấc ngủ sâu dưới tác động của nội khí quản. Hai ngày sau, gia đình xin đưa người thân về nhà và ông qua đời ngay sau đó. Cả ê-kíp lặng lẽ quay đi, lòng nặng trĩu vì lời trăng trối của ông mãi dang dở. Ngày hôm đó, mọi người đều mong ước thời gian chậm một chút nữa, biết đâu người đàn ông đó thanh thản về miền an nhiên.
Điều dưỡng Quyền đang chăm sóc người bệnh. Ảnh: Trần Mạnh
Áp lực nơi “khoa nóng” nhất bệnh viện
Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện K Tân Triều) khác biệt vì các bệnh nhân thường ở giai đoạn cuối. Mỗi quyết định của đội ngũ y tế không chỉ liên quan đến sự sống mà còn là niềm an ủi cho người bệnh và gia đình.
Anh Bùi Văn Quyền, điều dưỡng 37 tuổi với 8 năm kinh nghiệm, chia sẻ câu chuyện trên chỉ là một trong hàng nghìn ca cận tử anh chứng kiến. Một ca trực tối thứ Bảy điển hình chỉ có một bác sĩ và ba điều dưỡng, phụ trách 30 bệnh nhân nặng. Mỗi điều dưỡng chăm sóc 10 người, thực hiện các kỹ thuật phức tạp như hỗ trợ thở máy, lọc máu liên tục hay điều chỉnh liều thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau dữ dội.
“Công việc ở đây vất vả hơn nhiều so với các khoa khác. Bệnh nhân suy kiệt sau hóa trị, xạ trị, tâm lý nặng nề. Có những người hôm nay tôi chăm sóc, ngày mai họ đã ra đi”, anh Quyền nói.
Anh Quyền và các điều dưỡng tại đây luôn tay luôn chân. Ảnh: Trần Mạnh.
Làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu đòi hỏi điều dưỡng không chỉ vững chuyên môn mà còn phải thấu hiểu tâm lý người bệnh. Nhiều bệnh nhân, trong cơn đau đớn, nắm chặt tay điều dưỡng, cầu xin một mũi tiêm để thoát khỏi khổ đau. Những lúc ấy, anh Quyền chỉ biết nắm tay họ, động viên họ trân quý từng khoảnh khắc.
Câu chuyện của lòng nhân ái
Một kỷ niệm khiến anh Quyền mãi khắc ghi là trường hợp một bé gái ở Hà Nội mắc ung thư giai đoạn cuối. Khi chuyển đến khoa, em chỉ còn thoi thóp. Trong những ngày cuối đời, người mẹ không ngừng trò chuyện với con và quyết định hiến giác mạc của bé để mang lại ánh sáng cho người khác. Ngày bé qua đời, cả khoa lặng đi, tiếc thương một thiên thần nhỏ.
Không gian khoa thường chỉ vang lên tiếng monitor, máy thở, xen lẫn tiếng nấc nghẹn của người thân. Anh Quyền và đồng nghiệp không ít lần lặng lẽ lau nước mắt trước những ca sinh ly tử biệt, đặc biệt với các bệnh nhi.
Năm 2025, anh Quyền là một trong hai điều dưỡng tiêu biểu của Bệnh viện K được tôn vinh nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5). Tuy nhiên, anh khiêm tốn: “Cả 18 điều dưỡng trong khoa đều nỗ lực hết mình, để những ngày cuối đời của bệnh nhân bớt đau đớn".
Giúp người bệnh biến nỗi sợ thành sự an ủi, đau đớn thành hy vọng. Trần Mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh: “Đằng sau mỗi ca điều trị là bàn tay dịu dàng và trái tim kiên cường của các điều dưỡng. Họ biến nỗi đau thành hy vọng, nỗi sợ thành sự an ủi".
Ngày Quốc tế Điều dưỡng, tưởng nhớ bà Florence Nightingale - nhà cải cách xã hội người Anh đã đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại, là dịp để tri ân những “thiên thần áo trắng” tại Bệnh viện K. Nơi đây, mỗi ngày là một hành trình của lòng nhân ái, nơi sự sống và cái chết đan xen, nhưng tình người vẫn ấm áp.
Phương Thúy