Tạp chí Financial Times (Anh) đưa tin, giá cà phê thế giới ngày 27/11 (giờ địa phương) đã đạt lên mức cao nhất trong gần 50 năm, trong bối cảnh những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu ngày càng gia tăng, cùng với tác động từ quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU).
Giá cà phê arabica trên sàn giao dịch New York đã đạt mức cao kỷ lục trong ngày 27/11. Ảnh minh họa: Bloomberg.
Tại sàn giao dịch New York, giá hợp đồng tương lai cà phê arabica đã tăng 4,7% lên mức 3,23 USD/pound, đánh dấu mức cao nhất trong 47 năm qua. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá của loại hạt cà phê này đã tăng hơn 70%. Cùng thời điểm, giá cà phê robusta cũng tăng mạnh 7,7% trên sàn London, đạt mức 5.507 USD/tấn, gần gấp đôi so với hồi tháng 1 năm nay.
Tờ Financial Times dẫn lời các nhà giao dịch cho biết, đợt tăng giá này được thúc đẩy bởi nỗ lực tích trữ nguyên liệu thô của các doanh nghiệp chế biến cà phê. Đặc biệt, các nhà rang xay tại châu Âu đang gấp rút nhập khẩu để đối phó với những quy định khắt khe từ quy định chống phá rừng của EU. Quy định này yêu cầu mọi loại hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cà phê, phải chứng minh không được trồng trên đất từng bị phá rừng.
Ông Tomas Araujo - nhà giao dịch tại công ty môi giới hàng hóa StoneX - nhận xét: "Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự như thế này trước đây. Các nhà rang xay cho rằng, tình hình nguồn cung sẽ không được cải thiện, khiến họ bắt đầu rơi vào trạng thái hoảng loạn".
Thời tiết khắc nghiệt tại Brazil, quốc gia sản xuất arabica lớn nhất thế giới, là một trong những nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung này. Brazil vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua vào tháng 8 và tháng 9 năm nay, tiếp đó là mưa lớn vào tháng 10, khiến các cánh đồng cà phê không thể ra hoa hoặc gặp tình trạng hoa rụng sớm.
Trong khi đó, cà phê robusta cũng đối mặt với những thách thức tương tự do 3 năm liên tiếp gặp thời tiết xấu ở Việt Nam, quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới. Điều này không chỉ khiến sản lượng giảm mà còn làm tăng áp lực cho toàn bộ chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.
Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu tại châu Âu cũng đang tìm cách tránh những khó khăn từ quy định chống phá rừng của EU. Được biết, các quốc gia thành viên EU vẫn chưa thống nhất về lộ trình sửa đổi và áp dụng quy định này. Dù dự kiến có thể được trì hoãn thêm 12 tháng, các nhà lập pháp tại châu Âu đã cảnh báo rằng, những thay đổi hoặc chậm trễ trong quy định có thể không kịp thông qua trước cuối năm nay, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Không chỉ các nhà rang xay châu Âu, các doanh nghiệp tại Mỹ cũng tham gia vào cuộc đua nhập khẩu để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi những biến động giá trong tương lai. Điều này đặc biệt cấp bách khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố ý định áp thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, bao gồm cà phê, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2025. Theo thống kê của Financial Times, Mỹ hiện tại nhập khẩu khoảng 23% lượng cà phê toàn cầu.
Ông Carlos Mera - Giám đốc phụ trách đầu tư hàng hóa nông nghiệp tại Ngân hàng Rabobank - cho biết: "Nếu bạn tin rằng thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng, bạn sẽ cố gắng nhập cà phê ngay bây giờ, bởi nếu không, sẽ phải trả mức thuế cao hơn trong tương lai".
Đặc biệt, ông Mera dự báo giá cà phê cũng sẽ tiếp tục leo thang đối với người tiêu dùng. Ông nhận định: "Mức giá mà người tiêu dùng đang phải trả hiện nay mới chỉ phản ánh đợt tăng giá trước đó. Với đợt tăng giá mới nhất này, mức giá bán lẻ có thể còn cao hơn nữa trong tương lai."
Phú Quý (theo Financial Times)