Điều gì đang cản trở Mỹ và Nga đối thoại về Ukraine?

Điều gì đang cản trở Mỹ và Nga đối thoại về Ukraine?
2 giờ trướcBài gốc
Chỉ hai ngày sau khi chính thức quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo áp thuế và áp đặt trừng phạt nếu Nga không chịu đàm phán để kết thúc chiến sự ở Ukraine. Moscow cũng không bác bỏ khả năng đối thoại.
Tuy nhiên, trong hơn nửa tháng qua vẫn chưa có tiến triển thực chất nào trong quan hệ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hướng tới một cuộc đàm phán về Ukraine.
Bất chấp các tuyên bố sẵn sàng đàm phán về Ukraine từ cả Mỹ và Nga, đối thoại trực tiếp giữa hai tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin vẫn chưa được tổ chức. Ảnh minh họa: CSIS
Lý giải về vấn đề này, ông Sean Monaghan – chuyên gia về Nga và châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) – và chuyên gia Anton Grishanov thuộc Viện Các vấn đề quốc tế đương đại của Học viện Ngoại giao Nga đã đưa ra một số góc nhìn và đề xuất.
Cần vượt qua sự hoài nghi và đưa ra những đề xuất hợp lý
Ông Monaghan lưu ý rằng ngay cả khi Nga và Ukraine muốn có một thỏa thuận hòa bình, điều đó sẽ không xảy ra một cách tự động. Ông cho rằng Điện Kremlin đang tin vào chiến thắng trên thực địa nên sẽ khó bị thuyết phục chấp nhận đàm phán về Ukraine.
Ông Monaghan cho rằng Moscow lo sợ việc chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể bị phương Tây lợi dụng để tiếp tục làm suy yếu nước Nga. Trong khi đó, Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh cũng có thể nghi ngờ đàm phán và thỏa thuận chỉ là chiêu bài câu giờ để Nga tổ chức lại lực lượng.
Ngoài ra, mỗi bên trong cuộc đàm phán về Ukraine đều có thể lo ngại rằng ngay cả một thỏa thuận ngừng bắn cũng bị coi là “đầu hàng” – điều mà có vẻ không bên nào chấp nhận được.
Chuyên gia Monaghan nhận thấy ở phía Washington, Tổng thống Trump “có vẻ sẵn sàng hơn” so với chính quyền của người tiền nhiệm Joe Biden trong việc đạt được thỏa thuận với Nga về vấn đề Ukraine.
Ông Monaghan gợi ý rằng chính quyền Tổng thống Trump cần gia tăng áp lực theo kiểu “ngoại giao cưỡng chế” – tức là tìm cách thuyết phục, thay vì sử dụng vũ lực chống lại đối thủ – để kéo Nga vào bàn đàm phán về Ukraine.
Theo chuyên gia này, các biện pháp “ngoại giao cưỡng chế” của phương Tây, trong đó có sự gia tăng áp lực kinh tế và quân sự lên Moscow, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa cho thấy phát huy hiệu quả. Tiềm lực kinh tế “đáng kinh ngạc” của Nga cùng tâm lý thận trọng của Mỹ và các đồng minh đã khiến họ “không thể đưa ra bất kỳ tối hậu thư đáng tin cậy nào”.
Bây giờ, ông Trump cần đưa ra các đòi hỏi cụ thể cả về điều kiện và thời hạn, bổ sung thêm các “củ cà rốt” để khuyến khích Moscow đàm phán, áp dụng cách tiếp cận từng bước nhỏ và nỗ lực thuyết phục đồng minh hạ nhiệt căng thẳng trong tổng thể bức tranh đối đầu Nga-phương Tây, ông Monaghan phân tích.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 tại Đức. Ảnh: GETTY IMAGES
Cần phá băng quan hệ Mỹ-Nga trước khi đàm phán về Ukraine
Chuyên gia Nga Grishanov cho rằng ý tưởng về một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga để đàm phán về Ukraine đã “thất bại ngay cả trước khi nó bắt đầu”, theo tờ Kommersant.
Ông Grishanov lập luận rằng việc chuẩn bị một cuộc đối thoại cấp cao giữa ông Putin và ông Trump “không chỉ đòi hỏi phải lên kế hoạch cẩn thận, mà còn cần có sự hiểu biết chung về mục tiêu cuối cùng của việc đàm phán”.
Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine hiện nay, Mỹ và Nga vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung về mục tiêu đàm phán, ông Grishanov lưu ý.
Chuyên gia Nga còn nhắc tới việc dù cả ông Trump và ông Putin đều lên tiếng về khả năng điện đàm, nỗ lực kết nối vẫn đang bị “kéo dài một cách kỳ lạ” và một cuộc gọi trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo vẫn chưa thành sự thật.
Ông Grishanov cho rằng một khi “gốc rễ của vấn đề” ở sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Nga vẫn chưa được giải quyết, quan hệ song phương “sẽ còn chìm sâu trong tình trạng đóng băng”.
Ông Grishanov cho rằng những lời đe dọa sẽ “không mang lại triển vọng nào cho cuộc đối thoại” tiềm năng giữa ông Trump và ông Putin vì Moscow muốn những cuộc đàm phán về Ukraine liên quan tới toàn diện các vấn đề an ninh quốc tế – từ dỡ bỏ trừng phạt cho tới kiểm soát vũ khí – chứ không muốn hai bên đưa ra các tối hậu thư cho nhau.
Chuyên gia này lập luận rằng từ Nhà Trắng, việc phá băng quan hệ Mỹ-Nga đòi hỏi “sự tỉnh táo và ý chí” của cá nhân ông Trump, nhất là khi xét tới nguy cơ một số nhà lập pháp và các nhóm vận động hành lang của Mỹ có thể nỗ lực cản trở các ý tưởng của tổng thống.
Ông Grishanov gợi ý rằng các mối liên hệ khoa học, văn hóa và thể thao, giống như các nỗ lực “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời Chiến tranh Lạnh, hoặc các cử chỉ mang tính tượng trưng khác có thể mang lại sức sống mới cho quan hệ Mỹ-Nga.
Liệu ông Trump có phá vỡ ‘cấu trúc đối đầu Nga’ liên quan vấn đề Ukraine?
Nhà báo Sergey Strokan của tờ Kommersant cho rằng đang tồn tại “một cấu trúc toàn cầu đối đầu với Moscow” vốn hình thành từ khi Nga bắt đầu chiến sự tại Ukraine năm 2022, song cấu trúc này đang dần trở nên lỏng lẻo kể từ sau khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ tại Nhà Trắng.
Ông Strokan cho rằng mối quan tâm của Nga liên quan sự chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng chủ yếu nằm ở câu hỏi liệu Tổng thống Trump có bắt đầu phá vỡ “cấu trúc” này để mặc cho nó tự sụp đổ, hay ngược lại là tăng cường các kết nối để siết chặt thế đối đầu với Nga.
Vì “cấu trúc” này liên quan mật thiết tới vấn đề Ukraine, ông Strokan cho rằng tương lai của nó sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nhà Trắng và Điện Kremlin có thể tìm ra một chiến lược thoát khỏi cuộc khủng hoảng này theo ý muốn của mình hay không.
Ông Strokan tin rằng “nếu cả hai [Mỹ và Nga] đều có ý chí chính trị và sẵn sàng tuyên bố không ai thua ai thì họ có thể tìm ra giải pháp” bởi vì mỗi bên có thể diễn giải khái niệm “chiến thắng” hay “thất bại” theo cách riêng của mình, từ đó dàn xếp được vấn đề Ukraine.
HOÀN ĐỨC
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/dieu-gi-dang-can-tro-my-va-nga-doi-thoai-ve-ukraine-post832506.html