Trong những ngày gần đây, các tổng chưởng lý tiểu bang, nghiệp đoàn và tổ chức phi lợi nhuận đã đệ trình hơn 40 vụ kiện được nhằm dựng lên một "bức tường thành" tại các tòa án liên bang chống lại các sắc lệnh hành pháp được ông Trump liên tục tung ra.
Không giống khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, New York Times nhận định có rất ít sự phản kháng đáng kể đối với nhiệm kỳ thứ hai của ông trên đường phố, tại Quốc hội hoặc trong chính đảng Cộng hòa. Ít nhất là cho đến bây giờ, các luật sư nhận định nhánh tư pháp có thể đang phản kháng.
“Tòa án thực sự là tuyến đầu”, Skye Perryman, Giám đốc điều hành của tổ chức Democracy Forward, nhận định.
Những kết quả nhanh chóng
Sự phản kháng về mặt pháp lý đã mang lại kết quả nhanh chóng - mặc dù có khả năng chỉ là thoáng qua. Các lệnh của tòa án trong 9 vụ kiện sẽ ràng buộc một phần mục tiêu của chính quyền Trump.
Những mục tiêu đó bao gồm chấm dứt quyền "sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ"; chuyển các tù nhân chuyển giới nữ đến các nhà tù chỉ dành cho nam; khả năng tiết lộ danh tính của nhân viên FBI đã điều tra vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021; đóng băng tới 3.000 tỷ USD chi tiêu trong nước,...
Phản ứng của ngành tư pháp đối với các thách thức pháp lý vẫn tiếp tục trong suốt cuối tuần qua. Vào chiều 7/2, thẩm phán Carl Nichols, một thẩm phán quận do ông Trump đề cử, cho biết ông sẽ ban hành lệnh tạm thời chặn kế hoạch cho 2.200 nhân viên tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ nghỉ phép có lương và việc rút gần như toàn bộ nhân viên của cơ quan này từ nước ngoài về.
Ngoài ra, vào đêm muộn cùng ngày, thẩm phán John D. Bates đã bác yêu cầu của một liên minh công đoàn về lệnh khẩn cấp ngăn chặn đội ngũ của tỷ phú Elon Musk truy cập dữ liệu của Bộ Lao động. Trong khi vụ kiện đó vẫn đang tiếp diễn, phán quyết của thẩm phán Bates là chiến thắng đầu tiên cho chính quyền Trump tại tòa án liên bang.
Vào sáng 8/2, thẩm phán quận Paul A. Engelmayer đã hạn chế chương trình hiệu quả chính phủ của ông Musk truy cập vào hệ thống thanh toán và dữ liệu của Bộ Tài chính. Ông nói rằng việc truy cập đó sẽ có nguy cơ "gây ra tác hại không thể khắc phục".
Tòa án Mỹ Thurgood Marshall ở New York. Ảnh: New York Times.
Tuần trước, tại Seattle, một thẩm phán quận đã ban hành lệnh cấm toàn quốc thứ hai, chặn lệnh của ông Trump nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh.
"Hiến pháp không phải là thứ mà chính phủ có thể thực hiện trò chơi chính sách", thẩm phán John C. Coughenour cho biết. Một sự thay đổi như vậy chỉ có thể được thực hiện thông qua việc sửa đổi hiến pháp, ông nói thêm.
Tuy nhiên, trong khi nhánh hành pháp có khả năng hành động nhanh chóng và quyết đoán, ngành tư pháp lại hoạt động chậm hơn.
Trong 3 tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã đưa ra hàng loạt sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược viện trợ nước ngoài, chi tiêu trong nước và chính sách xã hội của Mỹ. Nhiều sắc lệnh được đưa ra bất chấp luật hiện hành.
Không có sự chấp thuận hoặc thậm chí là tham vấn với nhánh lập pháp của chính phủ, tổng thống Mỹ đã sử dụng quyền hành pháp đơn phương trong nỗ lực giải thể một số bộ phận của chính phủ, phủ quyết các quy định quản lý dịch vụ dân sự, lật ngược tiền lệ về luật nhập cư và đảo ngược những tiến bộ trong vấn đề đa dạng, công bằng và quyền của người chuyển giới,...
Một số chuyên gia pháp lý coi nỗ lực cố ý của nhánh hành pháp nhằm đẩy ranh giới của tính hợp pháp là một chiến lược cứng rắn để áp đảo phe đối lập của tổng thống và cuối cùng giành được ít nhất một số phán quyết phá vỡ tiền lệ từ Tòa án Tối cao.
“Chính quyền dường như muốn có những thách thức tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của những người phản đối, tòa án và sự chú ý của công chúng - ngay cả khi các thành viên của chính quyền biết rằng các điều khoản đó không phù hợp với luật hiện hành”, Judith Resnik, giáo sư tại trường Luật Yale, chia sẻ.
Đối với những người ủng hộ ông Trump, các lệnh của tổng thống nằm trong phạm vi quyền hạn được nêu trong phần 2 của Hiến pháp về nhánh hành pháp. Họ cho rằng chính sự phản kháng của ngành tư pháp mới là thứ vượt quá ranh giới hiến pháp được nêu trong phần thứ 3 về nhánh tư pháp.
“Tổng thống Trump không đánh cắp quyền hạn của các nhánh khác”, Mike Davis, người đứng đầu Dự án Điều III, một nhóm vận động bảo thủ, cho biết. “Ông ấy đang thực hiện các quyền hạn theo Điều II của mình theo Hiến pháp. Và các thẩm phán nói rằng ông ấy không thể làm như vậy? Họ đã sai về mặt pháp lý. Tòa án Tối cao sẽ đứng về phía ông Trump”.
Trên mạng xã hội X, Phó tổng thống Vance hôm 9/2 có một bài đăng dường như ám chỉ rằng khi nói đến tính hợp pháp của các lệnh của Nhà Trắng, các thẩm phán không có tiếng nói cuối cùng.
“Các thẩm phán không được phép kiểm soát quyền lực hợp pháp của cơ quan hành pháp”, ông Vance viết.
Bài đăng của ông Vance "mở ra cánh cửa dẫn đến một con đường có khả năng là nguy hiểm", Quinta Jurecic, một thành viên của Viện Brookings và là biên tập viên cao cấp tại Lawfare, cho biết.
"Mặc dù không khẳng định trực tiếp, những gì ông Vance nói ở đây là việc cơ quan hành pháp có khả năng phản ứng với lệnh của tòa án bằng cách nói với tòa án rằng” 'Các ông đang xâm phạm quyền hạn của tôi một cách vi hiến và tôi sẽ không làm những gì các ông nói'", bà nói thêm.
“Vào thời điểm đó, hiến pháp sụp đổ”, bà Jurecic nói.
Cuộc chiến kéo dài
Tới nay, đã có ít nhất một dấu hiệu cho thấy các lệnh của tòa án liên bang hiện hành nhằm ngăn chặn các hành động hành pháp của ông Trump không thay đổi ngay lập tức động thái của chính quyền trên thực tế.
Tuy nhiên, Harrison Fields, phát ngôn viên Nhà Trắng, khẳng định "mọi hành động do chính quyền Trump-Vance thực hiện đều hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ luật liên bang".
"Bất kỳ thách thức pháp lý nào đối với chính quyền này đều không gì khác hơn là một nỗ lực làm suy yếu ý chí của người dân Mỹ", ông Fields khẳng định.
Trên thực tế, tòa án phải quyết định xem liệu ông Trump có tuân thủ các quyết định của họ hay không.
Phán quyết cuối cùng sẽ không sớm được đưa ra. Lệnh của thẩm phán Coughenour chặn lệnh hành pháp của ông Trump nhằm chấm dứt quyền “sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ” đã được Bộ Tư pháp kháng cáo lên tòa phúc thẩm Mỹ.
Quá trình đưa một số vụ án lên tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm và sau đó là Tòa án Tối cao có thể mất nhiều tháng. Những cuộc chiến kéo dài đó sẽ mang tính chính trị cũng như pháp lý, đưa một tổng thống chống lại các tổng chưởng lý, hầu hết đều là đảng viên Dân chủ, với tham vọng riêng của họ, một số học giả pháp lý cho biết.
Tổng thống Trump và phó tướng Vance. Ảnh: Reuters.
"Các tổng chưởng lý đã hành động nhanh chóng. Nếu cuối cùng họ thắng thế tại tòa án và trong dư luận, họ sẽ gặt hái được lợi ích chính trị cho việc bảo vệ và minh oan cho quyền công dân của họ", Akhil Reed Amar, giáo sư tại trường Luật Yale, cho biết.
Nếu các tổng chưởng lý đang sử dụng chiến dịch chống lại ông Trump để đánh bóng tương lai chính trị của chính họ, điều đó cũng là có chủ đích, ông Amar nói thêm. "Hiến pháp của chúng ta được thiết kế để tham vọng sẽ chống lại tham vọng. Đó là cách những người soạn thảo đã vạch ra bản thiết kế".
Những người theo đuổi các vụ kiện cho biết họ không ngạc nhiên về nhiệm vụ phía trước. Những nỗ lực của Democracy Forward và các tổng chưởng lý Dân chủ để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump đã được tiến hành từ đầu năm 2024. Về cơ bản, các tổng chưởng lý đã thể hiện một mặt trận thống nhất.
Yếu tố bất ngờ?
Yếu tố bất ngờ duy nhất? Elon Musk, vị tỷ phú được trao quyền lực đặc biệt để cắt giảm và định hình lại chính phủ, mà không có chức danh thực sự hay sự xác nhận của Thượng viện.
Trong các hồ sơ pháp lý, Bộ Tư pháp đã lập luận rằng các cộng sự của ông Musk đang hành động hợp pháp với tư cách là nhân viên được phân công đến các cơ quan trên khắp chính phủ và họ chịu sự quản lý của các thành viên nội các.
Các tiểu bang có "quyền ưu tiên đặc biệt" với tư cách là nguyên đơn, một học thuyết dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2007. Học thuyết đó, vốn ít được chú ý trong những năm gần đây, giúp các tiểu bang dễ dàng đưa ra các vụ kiện tuyên bố rằng quyền của họ hoặc quyền của công dân của họ đã bị vi phạm.
Những hành động của Elon Musk liên quan đến chính phủ liên bang đã khiến một số đối thủ của ông Trump bất ngờ. Ảnh: New York Times.
Theo nguồn tin thân cận, các tiểu bang đó có thể gặp khó khăn hơn khi áp dụng học thuyết đó vào các khiếu nại chống lại nhóm của ông Musk, những nhóm hoạt động ở cấp liên bang và ít ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu bang.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản thẩm phán Engelmayer đứng về phía Letitia James, tổng chưởng lý của New York và 18 tổng chưởng lý Dân chủ khác trong nỗ lực ngăn chặn các nhóm của ông Musk khỏi các hệ thống nhạy cảm của Bộ Tài chính.
Họ lập luận rằng việc cho phép Ban Hiệu quả Chính phủ tiếp cận hệ thống đó sẽ vi phạm hiến pháp và gây tổn hại cho các tiểu bang phụ thuộc vào Bộ Tài chính để tài trợ cho các khoản thanh toán trợ cấp nuôi con và thu hồi nợ.
"Tôi nghĩ rằng hiện tại chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng hiến pháp", bà James nói, khi vụ kiện được công bố vào tuần trước.
Trong khi đó, bà Resnik cho biết mặc dù bà kỳ vọng hệ thống pháp luật sẽ "khỏe mạnh", chúng ta khó có thể phóng đại những rủi ro đối với ngành tư pháp trong những tuần và tháng tới.
"Quyền lực vô hạn là sự đối lập với hiến pháp Mỹ", bà nói. "Điểm đó được thể hiện rõ ràng mỗi khi bạn bước vào Tòa án Tối cao, nơi khắc ghi những từ: 'công lý bình đẳng theo luật pháp'".
Vân Hải