Điều gì đang xảy ra với liên minh MAGA của ông Trump?

Điều gì đang xảy ra với liên minh MAGA của ông Trump?
8 ngày trướcBài gốc
Cuộc tranh cãi gay gắt giữa tỷ phú công nghệ Elon Musk và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã bất ngờ thổi bùng mâu thuẫn vốn âm ỉ trong nội bộ liên minh MAGA (Make America Great Again) của Tổng thống Donald Trump.
Từ những lời qua tiếng lại mang tính công kích cá nhân trên mạng xã hội, cuộc đấu khẩu giữa Musk (một người mới nổi trong vòng tròn MAGA) và Navarro (người trung thành đến mức từng vào tù vì từ chối làm chứng về Trump) đã nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự phân hóa trong liên minh đang ngày càng đa dạng của ông Trump, Politico nhận định.
Điểm bùng phát lần này chính là cuộc chiến thuế quan mà ông Trump phát động gần đây. Trong khi Navarro và nhóm bảo thủ truyền thống ủng hộ tăng rào cản thương mại để "đưa sản xuất trở lại Mỹ", thì nhóm tài phiệt công nghệ và tài chính lo ngại sâu sắc về nguy cơ suy thoái kinh tế do chi phí tăng cao và tác động đến thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, việc ông Trump bất ngờ thông báo tạm dừng áp thuế "có đi có lại" với hầu hết quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc vào chiều ngày 9/4 (giờ Mỹ) cũng có thể tạo thêm những luồng ý kiến cùng các "đòn tác động" khó lường từ hai phe trong 90 ngày "nín thở" sắp tới.
Liên minh MAGA phân mảnh
Mâu thuẫn của tỷ phú Elon Musk và ông Peter Navarro nổ ra cuối tuần trước, rồi bùng phát dữ dội trên mạng xã hội X vào ngày 8/4. Musk công khai mỉa mai Navarro là “ngu như bao gạch” và dùng biệt danh thô thiển “Peter Retardo” sau khi ông Navarro cho rằng CEO Tesla chỉ là “người lắp ráp xe” để phản hồi những lời chê bai bằng cấp Tiến sĩ Harvard của ông trước đó.
Dù cuộc khẩu chiến có vẻ trẻ con, về bản chất, đây là màn đấu tranh đại diện cho sự khác biệt quan điểm sâu sắc trong nội bộ MAGA - liên minh từng đồng lòng đưa ông Trump quay lại cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng lại đa dạng và thường xuyên mâu thuẫn về các vấn đề cốt lõi, điển hình là chính sách thuế quan hiện nay.
Liên minh MAGA hiện tại bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau: từ những “cựu binh” MAGA như Navarro, cho đến nhóm bảo thủ hoài nghi sâu sắc về Washington, Phố Wall và bất kỳ định chế nào họ cho rằng cản trở nghị trình của Trump. Bên cạnh đó là lực lượng các “influencer MAGA” - những người yêu thích sự hỗn loạn mà ông Trump tạo ra trong hệ thống.
Gần đây, MAGA còn chào đón thêm nhóm “thành phần mới” là các ông trùm công nghệ như Elon Musk, Marc Andreessen, hay những gương mặt bảo thủ như Dave Portnoy và Joe Rogan. Họ ủng hộ ông Trump vì tin ông sẽ thúc đẩy kinh tế, theo đuổi các chính sách văn hóa “hợp lý”, hoặc đơn giản là để tăng danh tiếng cá nhân và lợi ích kinh doanh.
Ranh giới giữa các phe không hề rõ ràng, nhưng sự khác biệt đang dần trở thành mâu thuẫn, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế mới của ông Trump khiến nhiều người chứng kiến danh mục đầu tư của mình sụt giảm đáng kể.
“Chúng tôi từ lâu đã nhận thấy có những mâu thuẫn tiềm ẩn trong liên minh cánh hữu công nghệ mới này”, Abigail Ball - Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu American Compass, vốn có liên hệ với Phó tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio - nhận định.
“Và màn đấu khẩu giữa Musk và Navarro là minh chứng rõ ràng đầu tiên cho điều đó”, ông cho biết thêm.
Màn khẩu chiến giữa cố vấn Peter Navarro và tỷ phú Elon Musk đang đại diện cho sự phân hóa trong nội bộ MAGA đã âm ỉ từ lâu. Ảnh: ABC News.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 8/4 thừa nhận rạn nứt giữa Musk và Navarro, nhưng cố gắng hạ nhiệt: “Đây chỉ là hai cá nhân có góc nhìn khác nhau về thương mại. Cứ để họ cãi nhau thoải mái”. Dù vậy, bà khẳng định ông Trump vẫn sẵn sàng lắng nghe mọi phía.
Nhưng khi Nhà Trắng tuyên bố “không đàm phán” về chính sách thuế, nhiều thành viên MAGA, cả cũ lẫn mới, không thể ngồi yên trước những hậu quả kinh tế thực sự.
Nhà đầu tư kỳ cựu Bill Ackman, người ủng hộ ông Trump lâu năm, cảnh báo hôm 6/4 rằng loạt thuế mới chẳng khác nào “cuộc chiến tranh hạt nhân kinh tế”. Đến sáng 8/4, Ackman kêu gọi hoãn thuế 30, 60 hoặc 90 ngày để đàm phán, tránh “cú sốc kinh tế toàn cầu” đe dọa người dân và doanh nghiệp yếu thế.
Musk thì bày tỏ kỳ vọng về “thuế quan bằng 0” giữa Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Dave Portnoy, gương mặt nổi bật ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử 2024, đã phát cáu trong buổi livestream sáng ngày 7/4, dùng chính công ty truyền thông Barstool Sports của mình làm ví dụ cho thiệt hại thực tế.
Đảng Cộng hòa công khai bất đồng
Sự chia rẽ và hoang mang thậm chí đã lan rộng trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Trong phiên điều trần tại Thượng viện và các cuộc phỏng vấn với báo giới tuần này, sự nghi ngờ của các nghị sĩ Cộng hòa đối với chính sách của Tổng thống Trump đã lên đến mức bất thường, theo ABC News.
Một số nghị sĩ Cộng hòa - lo lắng trước tác động tiêu cực đến tâm lý cử tri trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ - đang cố gắng khẳng định lại vai trò giám sát của mình với chính sách thuế.
Dù họ cẩn thận hướng sự chỉ trích vào các trợ lý và cố vấn của Trump, đặc biệt là Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, người đã xuất hiện trước Ủy ban Tài chính Thượng viện hôm 8/4, thì đây vẫn là một động thái hiếm hoi khi Đảng Cộng hòa công khai bất đồng với vị tổng thống mà họ thường ủng hộ hết mình.
Thượng nghị sĩ Thom Tillis (bang Bắc Carolina) gay gắt chất vấn Greer: “Nếu kế hoạch này thất bại, ai chịu trách nhiệm?”. Tại bang nhà, nơi ông chuẩn bị tái tranh cử năm tới, hàng nghìn công ty nước ngoài đang đầu tư vào sản xuất, khiến ông không thể thờ ơ với biến động kinh tế.
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đang là đối tượng bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa chất vấn vì chính sách thuế quan của chính quyền Trump. Ảnh: Reuters.
Ngay cả những người thân cận với Nhà Trắng, vốn ủng hộ mục tiêu tái cân bằng thương mại của ông Trump, cũng thừa nhận trong các cuộc trao đổi riêng rằng chính sách đang được triển khai quá nhanh, quá mạnh, chưa đủ thời gian chuẩn bị.
“Nếu nhìn vào Peter Navarro, ông ấy muốn tất cả đều được sản xuất trong nước, không phụ thuộc vào Trung Quốc chút nào… Nhưng thực tế là, chúng ta còn ít nhất 15 năm nữa mới có thể xây dựng một ngành công nghiệp chip đủ khả năng tự cung”, một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng tiết lộ với Politico.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Cộng hòa khác cho rằng cái giá phải trả là xứng đáng. Dù vậy, các nghị sĩ Cộng hòa truyền thống vẫn tìm cách phản đối kế hoạch thuế quan của ông Trump.
Thậm chí, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley đã đề xuất một dự luật lưỡng đảng, trao cho Quốc hội quyền xem xét và phê duyệt các mức thuế mới. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phát tín hiệu rằng ông Trump sẽ phủ quyết, và cả lãnh đạo phe đa số Thượng viện lẫn Chủ tịch Hạ viện đều không mặn mà với ý tưởng này.
Bộ trưởng Bessent - người điều tiết ôn hòa?
Cuối tuần trước, ông Trump vẫn giữ vững lập trường “không đàm phán”, so sánh các mức thuế mới với “thuốc” mà nước Mỹ buộc phải uống để chữa lành những mất cân đối thương mại kéo dài suốt nhiều năm qua.
Sang đầu tuần, ông gán cho những người lo lắng về tác động thị trường cái tên mỉa mai “Panicans” (những kẻ hoảng loạn).
Tuy nhiên, đến 7/4, ông Trump bất ngờ phát tín hiệu cởi mở hơn, tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Đến thứ 8/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận rằng Mỹ đang đàm phán hoặc mở đối thoại với Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần 70 quốc gia khác.
Đặc biệt, màn "quay xe" dừng lệnh áp thuế với tất cả các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc, chỉ nửa ngày sau khi chính sách thuế có hiệu lực được đánh giá là bước đi bất ngờ nhưng mang tính chiến lược trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent được cho là người truyền tải thông điệp hiệu quả nhất cho ông Trump hiện nay. Ảnh: Reuters.
Các nguồn tin thân cận cho biết hiện Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent là “người truyền tải thông điệp hiệu quả nhất cho ông Trump” về chính sách thuế bởi khả năng bảo vệ lập luận ủng hộ thuế quan nhưng đồng thời nhấn mạnh khả năng đàm phán để đạt được các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi của ông.
“Thông điệp không còn kiểu ‘trả tiền ngay, không thì biến’, mà giờ đã chuyển sang sắc thái tích cực hơn: Chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ, hợp tác cùng đồng minh, rồi tiến về phía trước”, vị này nói.
“Tuần này, Bessent đang đưa ra những lời khuyên chính trị và kinh tế có giá trị nhất cho Trump”, chiến lược gia đảng Cộng hòa Scott Reed nhận định.
Củng cố cho nhận định này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã tiết lộ rằng Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định hoãn áp thuế trong sáng 9/4, chỉ với sự hiện diện của ông và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong phòng.
“Đây là một phần trong chiến lược của Tổng thống ngay từ đầu. Ông ấy không làm điều này vì bị áp lực, mà vì thấy đây là thời điểm thích hợp để đàm phán”, ông Bessent cũng lên tiếng.
Phản ứng thị trường cho thấy những thông điệp "nhẹ nhàng" từ Bessent đến với ông Trump đang hiệu quả. Tài chính toàn cầu khởi sắc khi Mỹ hoãn áp thuế, giá vàng tăng mạnh nhất 18 tháng, Bitcoin thêm 8% trong khi phố Wall chứng khiến một phiên giao dịch bùng nổ với 3 chỉ số chính đều tăng vọt.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-lien-minh-maga-cua-ong-trump-post1544619.html