“Nước Mỹ trước tiên” trong các thỏa thuận môi trường quốc tế
Ngay trong những giờ đầu tiên quay trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây không phải là động thái bất ngờ và đối với Mỹ, điều này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đô la. Song, đối với phần còn lại của thế giới, quyết định của ông Trump đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành ngày 20/1/2025 mang tên “Đặt nước Mỹ lên hàng đầu trong các thỏa thuận môi trường quốc tế” nêu rõ: “Thành tích của Mỹ trong việc thúc đẩy cả mục tiêu kinh tế và môi trường nên là hình mẫu cho các quốc gia khác, thay vì tham gia vào một thỏa thuận toàn cầu. Hơn nữa, các thỏa thuận này chuyển tiền thuế của người dân Mỹ đến các quốc gia không yêu cầu hoặc không xứng đáng được hỗ trợ tài chính vì lợi ích của người dân Mỹ”. Theo các quy định, Mỹ sẽ chính thức rời khỏi thỏa thuận trong vòng một năm.
Tôi sẽ ngay lập tức rút khỏi sự kìm kẹp bất công một chiều của Thỏa thuận khí hậu Paris. Nước Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của chúng ta trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuyên bố của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu. Với vai trò là nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới, việc Mỹ rút khỏi các cam kết về biến đổi khí hậu có thể khiến thế giới ngày càng xa mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C. Hiện Mỹ được xem là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới, và quyết định khai thác, sử dụng, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của ông Trump có thể xóa bỏ tất cả nỗ lực giảm phát thải của nước này trong thời gian qua.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định này vào tháng 11/2019 sau một tuyên bố chóng vánh, đưa nước Mỹ tách khỏi cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu và khiến cộng đồng quốc tế không khỏi thất vọng.
Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ là ông Joe Biden đã tái gia nhập thỏa thuận này vào năm 2021 và sau đó tuyên bố rằng Mỹ sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005. Ô nhiễm carbon của Mỹ đang giảm, nhưng không đủ nhanh để đáp ứng lời cam kết của ông Biden - và việc các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp tăng cường hành động chỉ có thể giúp đạt được một phần chặng đường do thiếu những nỗ lực mạnh mẽ hơn của liên bang.
Quốc tế phản ứng trước quyết định rút lui của Mỹ
Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và chính phủ nhiều nước đã có phản ứng trước quyết định đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đối khí hậu. Sự quyết liệt của Tổng thống Trump khi công bố việc rút lui ngay trong ngày đầu nhậm chức là một động thái gây sốc. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo lại khẳng định rằng chính sách của một nước đơn lẻ không mạnh mẽ bằng hành động của toàn cầu.
Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, điều quan trọng là Mỹ vẫn là nước đi đầu trong các vấn đề môi trường. Ông đồng thời tin tưởng các thành phố, tiểu bang và doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện tầm nhìn và khả năng lãnh đạo bằng cách nỗ lực hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, carbon thấp, tạo ra nhiều việc làm chất lượng. Về phần mình, người đứng đầu về khí hậu của Liên hợp quốc, ông Simon Stiell, nói thêm rằng "cánh cửa vẫn mở" cho Washington.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn cũng bày tỏ lo ngại của nước này về quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông đồng thời nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức chung của toàn nhân loại.
Biến đổi khí hậu là thách thức chung mà toàn thể nhân loại phải đối mặt. Không quốc gia nào có thể đứng ngoài và không quốc gia nào có thể không bị ảnh hưởng hoặc tự mình giải quyết vấn đề. Quyết tâm và hành động của Trung Quốc trong việc ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu là nhất quán. Trung Quốc sẽ hợp tác với tất cả các bên để ứng phó tích cực với những thách thức của biến đổi khí hậu, cùng nhau thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp toàn cầu.
Ông Quách Gia Khôn - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thương lượng với Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết của châu Âu đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong hai năm qua đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như đã nêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris. Báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho thấy, mức tăng nhiệt này sẽ vượt 3 độ C vào cuối thế kỷ này, một kịch bản sẽ gây ra những tác động dây chuyền như mực nước biển dâng cao, nắng nóng và những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp.
Thỏa thuận Paris và mục tiêu khí hậu của Mỹ
Năm 2015, hơn 190 quốc gia đã họp tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris và phê duyệt Thỏa thuận Paris hay Hiệp định Khí hậu Paris, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Mỹ là kiến trúc sư của Thỏa thuận Paris năm 2015. Những người ủng hộ Thỏa thuận Paris về khí hậu cảnh báo quyết định mới nhất của Tổng thống Donald Trump có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.
Trước thời điểm đàm phán Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, các quốc gia đã chia rẽ về việc có nên đặt mục tiêu kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 hay 2 độ. Ngưỡng thấp hơn là ngưỡng mà các nhà khoa học về khí hậu thúc đẩy và cuối cùng đã được thêm vào văn bản như một lý tưởng, chứ không phải là mục tiêu chính thức của thỏa thuận.
Mặc dù việc thông qua Thỏa thuận Paris là một thời khắc quan trọng và đưa thế giới vào con đường mà các nhà khoa học ủng hộ, nhưng thỏa thuận này không nêu rõ các quốc gia nên đạt được mục tiêu của mình như thế nào. Thỏa thuận không mang tính ràng buộc, các quốc gia không có nghĩa vụ phải giảm ô nhiễm khí hậu theo luật pháp quốc tế. Các quốc gia đặt ra mục tiêu và phương pháp riêng về ô nhiễm để đạt được mục tiêu đó.
Trong chín năm kể từ khi thỏa thuận được ký kết, ô nhiễm khí hậu vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn cầu - mặc dù có thể nói là chậm hơn so với khi không có thỏa thuận. Thảm họa đã ảnh hưởng nặng nề hơn, làm tăng nhu cầu tài trợ cho khí hậu lên hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Vào tháng 12/2024, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đệ trình một mục tiêu mới đầy tham vọng cho nước Mỹ, trong đó nêu rõ đất nước này sẽ cắt giảm ô nhiễm khí hậu tới 66% vào năm 2035 so với mức năm 2005. Bản thân ông Biden và ngay cả những người ủng hộ chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới đều biết rằng mục tiêu này là rất tham vọng.
Đối với mục tiêu mới đầy tham vọng này vào năm 2035, chúng ta không đi đúng hướng - và chúng ta có khả năng sẽ đi chệch hướng hơn nữa dưới chính quyền Trump.
Ông Michael Gerrard - Nhà sáng lập Trung tâm luật biến đổi khí hậu, Đại học Columbia, Mỹ.
Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và hành tinh đang nóng lên với tốc độ mà ngay cả các nhà khoa học cũng không dự đoán được. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng thích ứng của thiên nhiên và nhân loại với sự nóng lên toàn cầu sẽ giảm đáng kể, nếu hành tinh trải qua sự nóng lên liên tục trên 1,5 độ.
Rủi ro hiệu ứng dây chuyền từ quyết định của Mỹ
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính sách khí hậu của ông đã khiến Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu thô và khí tự nhiên lớn nhất thế giới, làm tăng lượng khí thải toàn cầu. Một nghiên cứu của Carbon Brief từng dự đoán rằng, các chính sách khí hậu của ông trong nhiệm kỳ thứ hai có thể dẫn đến việc thải thêm 4 tỷ tấn CO2 vào năm 2030, làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, tác động domino tới các chính sách khí hậu toàn cầu là không thể tránh khỏi.
Các đám cháy đang hoành hành ở Los Angeles - thành phố lớn thứ hai của nước Mỹ - tạo nên thảm họa cháy rừng tàn khốc nhất lịch sử xứ cờ hoa. Những trận "bão lửa" tàn phá Los Angeles là minh chứng cho thấy thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường hơn. Cháy rừng diễn ra vào tháng 1, thời điểm đáng lẽ là mùa mưa, là điều vô cùng bất thường, tương tự là các cơn bão Helene và Milton càn quét nước Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái.
Nhưng khi bang California của Mỹ oằn mình trong thảm họa cháy rừng, các nhà khoa học đã công bố một tin tức đáng buồn: Năm 2024 được xác nhận là năm nóng nhất trong lịch sử. Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết cực đoan như những đợt nắng nóng chết người, lũ lụt, cháy rừng và bão là hệ quả từ sự nóng lên của Trái đất. Giới khoa học cảnh báo thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thảm họa như lũ lụt, bão, cháy rừng... chực chờ, xuất phát từ biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Năm 2024, thời tiết cực đoan đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trên thế giới và buộc hàng triệu người phải di dời. Riêng tại châu Âu, nắng nóng khắc nghiệt đã khiến 47.000 người chết vào năm 2023. Tại Mỹ, số ca tử vong do nắng nóng đã tăng gấp đôi trong vài thập niên qua.
Điểm khác biệt hiện nay so với, chẳng hạn như năm 2016 là chúng ta đang hướng đến mục tiêu kiềm chế nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5 độ C. Năm 2016, chúng ta hy vọng có thể giữ nhiệt độ không nóng lên ở mức 1,5 độ C, giờ chúng ta hướng đến mục tiêu nhiệt độ cao hơn thế. Tất nhiên điều đó dẫn tới nhu cầu cần có hành động toàn cầu tham vọng hơn nhiều về biến đổi khí hậu. Và việc nền kinh tế lớn nhất, nước gây ô nhiễm lớn thứ hai thế giới rút khỏi Thỏa thuận Paris chính là một tín hiệu rất tiêu cực, và nó có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Có thể họ sẽ nói rằng nếu Mỹ không cam kết, chúng tôi cũng sẽ hành động ít hơn hoặc ít tham vọng hơn.
Bà Christina Voigt - Chuyên gia pháp lý về khí hậu.
Theo các nhà khoa học của dự án carbon toàn cầu, Mỹ, quốc gia phát thải nhiều thứ hai toàn cầu, thải 4,9 tỷ tấn CO2 vào không khí năm 2023, giảm 11% so với một thập kỷ trước. Do tính chất tồn tại trong khí quyển nhiều thế kỷ của CO2, Mỹ được cho là đã thải nhiều khí nhà kính hơn bất kỳ quốc gia nào và chịu trách nhiệm cho gần 22% lượng CO2 thải vào khí quyển kể từ năm 1950. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn khi Mỹ tiếp tục rút lui khỏi các nỗ lực khí hậu. Với động thái của ông Trump, họ lo ngại các quốc gia khác có thể theo chân Mỹ hoặc lấy cớ để nới lỏng các nỗ lực nhằm hạn chế lượng phát thải carbon.
Bên cạnh đó, hành động từ bỏ nỗ lực chống biến đổi khí hậu lần này có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn vì có nguy cơ biến thành xu thế toàn cầu. Chẳng hạn như Argentina hay Italia, mặc dù chưa công khai, song có thể sẽ tiếp bước. Một số nước đang phát triển cũng không muốn thực hiện cam kết khi những yêu cầu họ nêu lên không được thế giới quan tâm.
Liệu Mỹ có thể tái gia nhập Thỏa thuận Paris không? Câu trả lời đương nhiên là có. Nhưng điều đó phụ thuộc vào những gì chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm tiếp theo. Trong khi đó, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, đã nhắc lại rằng "cánh cửa vẫn mở cho Thỏa thuận Paris". Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh đến sự bùng nổ năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới, với trị giá 2 nghìn tỷ đô la vào năm ngoái và đang tăng lên, đồng thời cảnh báo rằng các quốc gia không chấp nhận nó sẽ bị bỏ lại phía sau.
Là một doanh nhân, và cũng là một người dễ thay đổi, rất có thể một ngày nào đó, Tổng thống Donald Trump sẽ gia nhập cuộc chơi này.
Từ Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dieu-gi-xay-ra-khi-ong-trump-rut-my-khoi-hiep-dinh-paris-298044.htm