Trà nóng là thức uống truyền thống được yêu thích trên toàn thế giới. Không chỉ mang lại cảm giác thư giãn, trà còn được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống trà nóng mỗi ngày cũng có những tác động nhất định mà bạn cần lưu ý.
Lợi ích
1. Cải thiện sức khỏe tim mạch: Theo NCBI, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà, đặc biệt là trà xanh và trà đen, chứa flavonoid - một loại chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Flavonoid có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL) và giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
2. Hỗ trợ giảm cân: Trà nóng, đặc biệt là trà xanh, chứa catechin và caffeine, 2 hợp chất thúc đẩy quá trình đốt cháy chất béo và tăng cường trao đổi chất. Theo Healthline, uống trà nóng đều đặn có thể hỗ trợ kiểm soát cân nặng nếu kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý.
Một ly trà ấm nóng mỗi ngày đem lại nhiều lợi ích cho bạn. Ảnh: Ban Mai
3. Tăng cường sức khỏe não bộ: Uống trà nóng mỗi ngày cải thiện chức năng não nhờ các hợp chất L-theanine và caffeine. L-theanine góp phần giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung và cải thiện tâm trạng. Một số nghiên cứu còn cho thấy thói quen uống trà nóng lâu dài có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson.
4. Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Trà nóng, nhất là trà thảo mộc như trà gừng, trà bạc hà, có thể làm dịu dạ dày, giảm đầy hơi và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, trà cũng cung cấp nước, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
5. Tăng cường khả năng miễn dịch: Trà xanh và trà thảo mộc chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn và virus. Uống trà nóng đều đặn có thể khiến bạn ít bị cảm cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm hơn.
Tác động tiêu cực khi uống trà nóng quá nhiều
- Tăng nguy cơ tổn thương thực quản: Uống trà nóng ở nhiệt độ quá cao (trên 60 độ C) có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Ung thư Quốc tế cho thấy, uống trà quá nóng thường xuyên có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ này.
- Cản trở hấp thụ sắt: Một số hợp chất trong trà, như tannin, có nguy cơ cản trở sự hấp thụ sắt từ thực phẩm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến những người bị thiếu máu hoặc có chế độ ăn ít sắt. Để giảm thiểu tác động, bạn nên uống trà cách bữa ăn chính khoảng 1-2 giờ.
- Gây mất ngủ hoặc căng thẳng: Caffeine trong trà có thể gây mất ngủ hoặc kích thích thần kinh nếu bạn uống quá nhiều, nhất là vào buổi tối. Người nhạy cảm với caffeine nên chọn trà thảo mộc không chứa caffeine hoặc hạn chế uống trà sau 16h.
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Uống trà khi đói có thể gây khó chịu cho dạ dày do axit trong trà kích thích sản xuất axit dạ dày. Điều này dễ dẫn đến cảm giác buồn nôn hoặc đau dạ dày.
Lời khuyên khi uống trà nóng mỗi ngày
- Uống ở nhiệt độ phù hợp: Để trà nguội đến dưới 50-60 độ C trước khi uống để tránh làm tổn thương niêm mạc thực quản.
- Chọn loại trà phù hợp: Nếu bạn muốn thư giãn, hãy chọn trà thảo mộc như trà hoa cúc hoặc trà bạc hà. Nếu muốn tăng cường năng lượng, trà xanh hoặc trà đen là lựa chọn tốt.
- Uống vừa phải: Chỉ nên uống 2-3 tách trà mỗi ngày để tận dụng lợi ích mà không gây tác dụng phụ.
- Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy ăn đủ chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu sắt, để tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.
An Yên