Đi bộ là phương pháp luyện tập đơn giản, không cần thiết bị cầu kỳ, không cần tới phòng gym, chỉ cần một đôi giày tốt và tinh thần vận động. Hoạt động này tuy cơ bản nhưng lại có thể kích hoạt chuỗi những thay đổi tích cực bên trong cơ thể, đặc biệt khi quãng đường đi bộ kéo dài đến một giờ đầy đủ.
Đi bộ là phương pháp luyện tập đơn giản. (Ảnh: Time of India)
Mỗi phút trong 60 phút đi bộ đó đều mang lại những thay đổi tích cực cho cơ thể. Theo Time of India, dưới đây là những gì xảy ra với cơ thể khi đi bộ một giờ mỗi ngày.
5 phút đầu tiên
Ngay khi bắt đầu đi bộ, tim cảm nhận được sự vận động và bắt đầu bơm nhanh hơn một chút, các mạch máu bắt đầu giãn nở nhẹ nhàng, giúp máu lưu thông đến cơ bắp và não bộ nhiều hơn.
Sự thay đổi đơn giản này đánh thức toàn bộ cơ thể, tạo tiền đề cho sự tập trung cao hơn, tinh thần minh mẫn và khả năng phối hợp tốt hơn. Ngay cả bàn chân và cẳng chân cũng bắt đầu ấm lên khi tuần hoàn máu tăng.
Phút thứ 10–15
Vào khoảng thời gian này, nhịp tim tăng đều đặn, các cơ ở chân và hông bắt đầu đòi hỏi nhiều oxy hơn. Phổi phản ứng bằng cách thở sâu hơn, tăng lượng oxy cung cấp cho máu, cơ thể bắt đầu đốt cháy một lượng calo cao hơn – thường là khoảng 50 đến 70 calo vào phút thứ 15.
Phút thứ 20–30
Đến lúc này, cơ thể đã khởi động kỹ và quá trình trao đổi chất bắt đầu thay đổi. Cơ thể bước vào vùng mà các chuyên gia thể dục gọi là “vùng đốt mỡ”, nơi chất béo dự trữ được chuyển hóa thành năng lượng có thể sử dụng.
Ở giai đoạn này, các hormone gây căng thẳng như cortisol cũng giảm nhẹ. Đi bộ làm giảm cảm giác lo lắng và có thể cải thiện tâm trạng bằng cách giải phóng các hormone hạnh phúc, tạo cảm giác dễ chịu như endorphin và dopamine.
Phút thứ 30–40
Khi cơ thể ổn định vào nhịp điệu thoải mái, sự minh mẫn tinh thần trong cơ thể bạn cũng sẽ có sự thay đổi. Đi bộ đã được chứng minh là giúp tăng cường trí nhớ, giảm mệt mỏi tinh thần và cải thiện sự tập trung. Một nghiên cứu của Đại học Stanford chỉ ra rằng, đi bộ 40 phút liên quan đến việc tăng cường khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Về mặt thể chất, lúc này dịch khớp tăng lên, hoạt động như một chất bôi trơn tự nhiên. Điều này làm cho đầu gối, hông và mắt cá chân linh hoạt hơn.
Phút thứ 40–50
Đến thời điểm này, tùy thuộc vào tốc độ đi bộ và trọng lượng cơ thể, khoảng 150–250 calo có thể đã được đốt cháy. Sự vận động liên tục trong khoảng thời gian này cũng giúp cải thiện độ nhạy insulin. Điều này có nghĩa là cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Phút thứ 50–60
Một giờ đi bộ đầy đủ giúp tăng cường cơ tim, giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), huyết áp trở nên ổn định hơn. Ngoài ra, xương cũng nhận được một bài tập chịu trọng lượng nhẹ nhàng, giúp duy trì mật độ xương. Theo thời gian, điều này làm giảm nguy cơ loãng xương, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Những buổi đi bộ kéo dài một giờ thường xuyên cũng liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm nguy cơ đột quỵ.
Thu Hiền (Nguồn: Time of India)