Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm, dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Còn theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định, tùy theo tính chất vi phạm, lái xe sẽ bị trừ tối thiểu là 2 điểm và tối đa là 10 điểm GPLX đối với mỗi hành vi vi phạm. Đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, cơ quan chức năng sẽ áp dụng hình thức tước ngay GPLX, không quy định việc trừ tối đa 12 điểm như dự thảo trước đây.
Người có GPLX bị trừ hết điểm sẽ không được lái xe. Bằng lái sẽ được phục hồi đủ 12 điểm nếu tài xế không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Sau ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, tài xế được thi sát hạch để được phục hồi số điểm này. Còn cơ quan thực thi là Cục CSGT hoặc Phòng CSGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung kiểm tra gồm: Lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ căn cứ theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp bằng lái và các bài mô phỏng những tình huống giao thông trên máy tính do Bộ Giao thông Vận tải quy định.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, mỗi năm, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Nếu bị trừ hết 12 điểm sẽ phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Trong trường hợp GPLX đã bị trừ hết điểm mà người dân vẫn điều khiển phương tiện tương ứng với GPLX đó thì sẽ bị coi là hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không có GPLX.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW và các loại xe tương tự, lỗi không có GPLX, sử dụng GPLX đã bị trừ hết điểm hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, GPLX không còn hiệu lực, GPLX không phù hợp với loại xe đang điều khiển sẽ bị phạt 2 - 4 triệu đồng.
Với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW, xe mô tô 3 bánh, mức phạt sẽ là 6 - 8 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền phạt sẽ lên tới 18 - 20 triệu đồng nếu người vi phạm điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ.
Nếu bị trừ hết điểm bằng lái xe máy, người dân chỉ phải kiểm tra lại lý thuyết còn bằng lái ô tô bị trừ hết điểm sẽ phải thi lý thuyết và mô phỏng.
Thủ tục đăng ký kiểm tra phục hồi điểm GPLX từ 1/1/2025: Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm đơn đề nghị kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 65/2024/TT-BCA); Giấy khám sức khỏe của người lái xe còn giá trị sử dụng.
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, người dân nộp hồ sơ và đăng ký kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nộp hồ sơ qua 4 hình thức: Qua Cổng dịch vụ công quốc gia; Qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an; Qua Ứng dụng định danh quốc gia; Nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính về Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an hoặc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cổng dịch vụ công hoặc Ứng dụng định danh quốc gia sẽ thông báo qua tin nhắn, email hoặc trên Ứng dụng định danh quốc gia cho người đăng ký thời gian, địa điểm kiểm tra. Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, viết giấy hẹn ghi rõ thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra.
Nếu kiểm tra không đạt yêu cầu thì có thể đăng ký kiểm tra lại tại cơ quan có thẩm quyền đã tổ chức kiểm tra trước đó hoặc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra để đề nghị kiểm tra lại...
Điểm mới trong đề xuất phân hạng giấy phép lái xe của Bộ Công an.