Điều kiện cần và đủ đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Điều kiện cần và đủ đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
8 giờ trướcBài gốc
Cô trò đội tuyển Tiếng Anh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) xuất sắc giành 10 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025 với 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 3 giải Khuyến khích.
Nhận diện khó khăn
Thực tế giảng dạy và từ kết quả giáo dục mũi nhọn, đại trà, cô Ngô Thùy Dung, tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, Chủ nhiệm đội tuyển Quốc gia môn Tiếng Anh tỉnh Bắc Ninh nhận định: việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là khả thi. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần phải cân nhắc nhiều yếu tố và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều phía.
Nhận diện khó khăn, cô Ngô Thùy Dung nhắc đến đầu tiên là về nguồn lực giáo viên. Theo đó, chất lượng giáo viên không đồng đều, không phải tất cả đều có trình độ đạt yêu cầu để giảng dạy ở mức độ chuyên sâu. Không chỉ giảng dạy ngữ pháp, từ vựng, giáo viên còn cần khả năng truyền đạt kỹ năng giao tiếp, viết, đọc và nghe ở các mức độ cao hơn. Đào tạo, nâng cao trình độ cho giáo viên là nhiệm vụ dài hơi và đòi hỏi nhiều nguồn lực về thời gian, tài chính, cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, để giảng dạy Tiếng Anh hiệu quả, cần có phòng học đầy đủ thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, bảng điện tử, phần mềm học ngôn ngữ. Tuy nhiên, nhiều trường hiện nay còn thiếu thốn cơ sở vật chất, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Học tiếng Anh hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và công cụ học tập hiện đại như các ứng dụng học ngoại ngữ, các bài giảng trực tuyến. Tuy nhiên, không phải trường nào trên cả nước cũng có đủ trang thiết bị, hoặc mạng internet ổn định.
Cô Ngô Thùy Dung cũng cho biết, để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai, cần sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận giảng dạy. Học sinh không chỉ học tiếng Anh như một môn học riêng biệt mà còn phải được rèn luyện để sử dụng tiếng Anh trong các môn học khác. Điều này đòi hỏi một quá trình điều chỉnh chương trình học và phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Một vấn đề quan trọng nữa là sự thay đổi tư duy giáo dục ở cả giáo viên và học sinh. Phải thay đổi cách nghĩ về việc học tiếng Anh từ một môn học ngoại ngữ sang một công cụ hỗ trợ toàn diện cho việc học tập và giao tiếp…
Từ kinh nghiệm giảng dạy và quan sát thực tế nhiều thế hệ học sinh, cô Nguyễn Thị Thu Trang, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), phụ trách đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh tỉnh Hải Dương nhận thấy có 2 lý do rất phổ biến là học sinh học mau quên và không có động lực.
Quên chính là yếu tố đầu tiên cản trở học sinh nói thông thạo tiếng Anh. Quên ngay khi vừa hết giờ học vì thời gian học có hạn, nội dung kiến thức nhiều, lớp đông, chưa kịp thực hành, vận dụng kỹ đã hết giờ học. Chưa kể năng lực ngôn ngữ, giảng dạy của một bộ phận giáo viên ở nhiều nơi còn hạn chế.
Bên cạnh đó năng lực tự học nói chung của học sinh còn kém, trong đó tự học ngoại ngữ còn khó khăn hơn vì nhiều rào cản. Trong khi đó, muốn học sinh tự học được, trước tiên các em phải học tốt cơ bản.
Nguyên nhân thứ 2 là thiếu động lực để dùng tiếng Anh. Học sinh rời lớp học là không có môi trường giao tiếp, sử dụng tiếng Anh. Việc tự tạo ra môi trường để sử dụng tiếng Anh như xem phim, đọc truyện, tận dụng báo chí, các trang web để học tiếng Anh chưa phổ biến trong học sinh, sinh viên. Học sinh ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì gặp khó khăn nhiều hơn học sinh ở các thành phố.
Điều kiện cần và đủ
Cô Ngô Thùy Dung cho biết, những năm gần đây, xác định được vai trò quan trọng của việc dạy và học môn Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh đã có những đổi mới trong tổ chức thực hiện môn học, từ đó nâng cao được chất lượng đào tạo mũi nhọn và giáo dục đại trà cho học sinh toàn trường.
Ngoài thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường giao tổ Ngoại ngữ đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng những học sinh tiềm năng, có khả năng để tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Những học sinh này được học toàn diện các kỹ năng, kiến thức, giúp các em có được kết quả ổn định ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 4 năm gần đây.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo tổ Ngoại ngữ quan tâm dạy kiến thức, tổ chức cho học sinh chuyên Anh thi khảo sát bằng đề theo format đề IELTS, đảm bảo học sinh các lớp chuyên Anh thi các chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, …). Nhiều học sinh có kết quả IELTS rất cao, được các trường quốc tế, các trường ĐH ở các nước trao học bổng.
Giáo dục đại trà cũng được nhà trường quan tâm, học sinh toàn trường được tham gia vào một số sân chơi trí tuệ bằng tiếng Anh do tổ Ngoại ngữ tổ chức, từ đó nâng cao chất lượng toàn diện của môn học. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình môn Tiếng Anh của trường duy trì ở vị trí số 1 trong tỉnh nhiều năm liền.
Chia sẻ về điều kiện để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cô Ngô Thùy Dung cho rằng, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng giáo viên tiếng Anh chất lượng cao; đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, như phòng học tiếng Anh, máy móc, phần mềm hỗ trợ học tập và các phương tiện truyền thông hiện đại.
Việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy như ngôn ngữ thứ hai cũng yêu cầu cải cách chương trình học, đặc biệt là trong các môn học khác ngoài tiếng Anh. Chương trình cần được xây dựng sao cho tiếng Anh không chỉ là môn học ngoại ngữ mà còn là công cụ giúp học sinh học tốt các môn học khác.
Với cô Nguyễn Thị Thu Trang, cơ sở vật chất đầy đủ, giáo viên đạt chuẩn là yêu cầu đầu tiên. Cùng với đó, xây dựng chính sách và xác định lộ trình đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai; trước tiên là đảm bảo dạy chuẩn đầu ra từng bậc học.
Tiếp nữa, cần có biện pháp để tạo môi trường cho thanh thiếu niên sử dụng tiếng Anh ngoài nhà trường; như có một số báo, tạp chí, kênh truyền hình nội địa cho giới trẻ sử dụng tiếng Anh, tăng cường các chương trình giao lưu văn hóa, các cuộc thi tiếng Anh để các bạn trẻ có cơ hội sử dụng tiếng Anh thường xuyên hơn.
“Học sinh gen Z, alpha hiện nay khá nhạy bén với công nghệ. Nếu được cho một nền tảng ngôn ngữ cơ bản tốt từ nhà trường, với nhận thức rõ về tầm quan trọng của học ngoại ngữ, các em sẽ có sự chủ động học tốt hơn không chỉ là tiếng Anh mà các ngôn ngữ khác theo sở thích và nhu cầu”, cô Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dieu-kien-can-va-du-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-post717132.html