Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: Xuân Minh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa giải đáp thắc mắc của người lao động liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025. Đây là trường hợp đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 2/2007 đến nay, làm việc trong môi trường bình thường. Vậy chế độ hưu trí khi người lao động nghỉ hưu sẽ được tính thế nào.
Phản hồi về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện nay, theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, và phải có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Tại Điều 169, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Tuy nhiên, theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, thì điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, từ ngày 1/7/2025, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ đủ điều kiện hưởng lương khi đáp ứng đủ 2 yếu tố là: Đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 3 tháng đối với lao động nam; 56 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định được tính như sau:
Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 20 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa cũng bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng trước khi nghỉ hưu như sau:
Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định: Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc tính mức lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội; diễn biến thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; cả quá trình đóng đến khi nghỉ hưu; tuổi đời; giới tính; thời điểm nghỉ hưu; chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ...
Nhật Dương