NÂNG CÔNG SUẤT DỰ ÁN CHĂN NUÔI GIA CẦM: XIN CẤP GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG TẠI CƠ QUAN NÀO?
Câu hỏi của độc giả: Công ty tôi đang có dự án chăn nuôi gia cầm với quy mô xấp xỉ 2.000 đơn vị vật nuôi, không có yếu tố nhạy cảm về môi trường nhưng trước đây đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện tại, công ty tôi muốn nâng công suất của dự án lên hơn 30%, với tổng số hơn 3.000 đơn vị vật nuôi.Dự án không nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, không thuộc vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh, và không có nguồn tiếp nhận nước thải là nguồn nước mặt liên tỉnh.
Tôi xin hỏi, trong trường hợp này, công ty tôi cần xin Giấy phép môi trường (GMPT) tại cơ quan nào? Tôi thấy Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định một số điều Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện chỉ đề cập đến chăn nuôi gia súc mà không thấy nói đến chăn nuôi gia cầm, nên chúng tôi chưa xác định được thẩm quyền cấp phép. Rất mong nhận được tư vấn của luật sư.
ATA trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA ("ATA”). Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
1. Phân tích hiện trạng pháp lý của Dự án:
Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn đang triển khai dự án chăn nuôi gia cầm với quy mô xấp xỉ 2.000 đơn vị, không có yếu tố nhạy cảm về môi trường nhưng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đồng thời, dự án không:
(i) Nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
(ii) Nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
(iii) Có nguồn tiếp nhận nước thải là nguồn nước mặt liên tỉnh đã được BTNMT công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Như vậy, dự án của bạn thuộc dự án có quy mô, công suất trung bình. Đồng thời, dự án không có yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định tại Phụ lục II và Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 05/2025/NĐ-CP nhưng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường và phụ lục IV Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, dự án là dự án nhóm II và có thể thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Dự án có sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình (Có tổng diện tích của dự án từ 50 ha đến dưới 100 ha);
b. Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình (Di dân từ 1.000 người đến dưới 10.000 người ở miền núi; từ 2.000 người đến dưới 20.000 người đối với vùng khác.)
Với câu hỏi của bạn về việc phải xin Giấy phép môi trường tại cơ quan nào, chúng tôi hiểu rằng, tại thời điểm này, Dự án có thể đang trong quá trình xây dựng và chưa vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải [1].
2. Việc tăng công suất đã khiến Dự án của Công ty bạn trở thành Dự án nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cụ thể:
Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn dự kiến nâng công suất dự án lên hơn 30%, với tổng số vật nuôi hơn 3.000 đơn vị.
Theo Nghị định 05/2025/NĐ-CP, loại hình sản xuất kinh doanh “Chăn nuôi gia súc” được xác định theo mã 014 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg). Theo đó, mã ngành này bao gồm cả chăn nuôi gia súc và chăn nuôi gia cầm.
Đối chiếu với Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định này, dự án của công ty bạn có quy mô số lượng trên 3.000 đơn vị vật nuôi, được xác định là loại hình dự án Chăn nuôi gia súc có quy mô, công suất lớn và thuộc Dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (theo điểm a Khoản 3 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường). Cụ thể:
3. Các thủ tục Công ty bạn cần triển khai trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức
3.1. Thực hiện thủ tục đánh giá môi trường:
Khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“4. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành, trường hợp có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư khi có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường;”
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 08/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP quy định:
“2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này, trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có một hoặc các thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường và được quy định chi tiết như sau:
d) Tăng quy mô, công suất quy định tại khoản 3 Điều này dẫn đến thay đổi phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường (trừ trường hợp dự án đầu tư thay đổi thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ do bổ sung thêm hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không; hoạt động kinh doanh đặt cược, ca-si-nô (casino); hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí theo quy định của pháp luật về đầu tư).”
Như vậy, Công ty bạn sẽ phải triển khai lại thủ tục này cho dự án sau khi tăng công suất.
3.2. Thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép môi trường:
Theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường, dự án của Công ty bạn là dự án đầu tư nhóm I có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức là đối tượng phải xin giấy phép môi trường.
Các thông tin trong hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường của dự án sẽ được xác định theo những thông tin mới về công suất dự án và các thông số pháp lý, kỹ thuật tương ứng sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được thẩm định và phê duyệt chính thức.
3.3. Vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp giấy phép môi trường:
Do là dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất lớn, dự án của Công ty bạn cần thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải trong khoảng từ 03 đến 06 tháng tính từ thời điểm bắt đầu vận hành thử nghiệm.
Việc triển khai vận hành thử nghiệm theo quy định tại Điều 31 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2025.
4. Về thẩm quyền thẩm định ĐTM và cấp Giấy phép môi trường của Dự án
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 27 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/01/2025:
“11. Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 10 Điều này được xác định theo dự án đầu tư có điều chỉnh, thay đổi.”
Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường, thẩm quyền cấp GPMT đối với dự án thuộc nhóm I sẽ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ dự án thuộc bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vừa qua, ngày 06/01/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP trong đó đã bổ sung điều khoản về việc phân cấp UBND cấp tỉnh thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, do dự án chăn nuôi gia cầm của bạn không thuộc diện nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; có nguồn tiếp nhận nước thải là nguồn nước mặt liên tỉnh nên sẽ thuộc thẩm quyền thẩm định ĐTM và cấp giấy phép môi trường của UBND cấp tỉnh[2].
___________________________________________________________________________________
[1] Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường: “Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;”
[2]Điều 26a. Phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường (nếu thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường) đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ dự án thuộc một trong các trường hợp: Nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; nằm trên vùng biển chưa xác định trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; có nguồn tiếp nhận nước thải là nguồn nước mặt liên tỉnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước) sau đây:
b) Dự án chăn nuôi gia súc;
CÔNG TY LUẬT TNHH TOÀN CẦU ATA (ATA LEGAL SERVICES) là một công ty luật được thành lập và điều hành bởi những luật sư dày dặn kinh nghiệm. Mục tiêu và phương châm hoạt động của ATA Legal Services là cung cấp các dịch vụ pháp lý linh hoạt và toàn diện cho các khách hàng là tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Bạn đọc có thể trao đổi trực tiếp nội dung có liên quan vui lòng liên hệ với luật sư của công ty tại: Tầng 7 Số 184 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hoặc qua điện thoại: 0392920688 | 0914645112 Hoặc qua mail: [email protected]
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh